Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Về đây nghe em - Thơ: A Khuê, Nhạc: Trần Quang Lộc (Khắc Dũng)



Uploaded by  on Sep 5, 2009
"Về đây nghe em" như lời mời gọi từ ký ức để gặp lại tình yêu thuở ban đầu. Do ca sĩ Khắc Dũng thể hiện trong mục âm nhạc của chương trình Sức Sống Mới

Ca sĩ phòng trà: Khắc Dũng - Gom dăm nét nhạc, góp lời gió bay

Ca sĩ Khắc Dũng - Ảnh: Lê Việt Dũng

Những năm sau 1975, lúc kinh tế gia đình khó khăn, Khắc Dũng phải làm nhiều nghề để phụ giúp gia đình như: sửa xe, vẽ mành sáo trúc, chạy xe ôm, bán thuốc tây... Thế nhưng niềm đam mê ca hát lúc nào cũng âm ỉ, thôi thúc trong anh.

Cha Khắc Dũng là người gốc Bạc Liêu - xứ sở phát tích của bản Dạ cổ hoài lang (Cao Văn Lầu), còn mẹ anh là cô thôn nữ quê Vĩnh Long. Sự kết hợp của song thân đã sinh ra Khắc Dũng ở... Đà Nẵng. Khi trưởng thành Khắc Dũng lập gia đình với một cô gái Huế. Chính sự hòa trộn các nét văn hóa vùng miền đã làm nên tính cách chàng ca sĩ này.
Lúc Khắc Dũng lên 4-5 tuổi thì gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống, khi ấy anh đã sớm bộc lộ năng khiếu bẩm sinh về thơ - nhạc - họa. Vốn sinh hoạt trong ca đoàn giáo xứ Vườn Xoài (nay thuộc Q.Tân Bình, TP.HCM) nên Khắc Dũng sớm nắm vững nhạc lý cũng như kỹ thuật thanh nhạc. Rồi những năm sau 1975, gia đình khó khăn, làm nhiều nghề cực quá nên việc ôm mộng trở thành ca sĩ của một người có chất giọng thiên phú như anh âu cũng là điều dễ hiểu. Khắc Dũng tham gia và trưởng thành hơn qua các phong trào văn nghệ quần chúng, các nhóm ca khúc ở các sân khấu Q.10, 126, Bách Tùng Diệp, Nhà văn hóa (NVH) Thanh niên, NVH Lao động (nay là Cung văn hóa Lao động)... Nhiều khi anh phải lén bố mẹ đi hát vì ông bà chỉ muốn con mình trở thành bác sĩ, kỹ sư chứ không thích con bước vào cái nghề ca hát còn chịu nhiều thành kiến.
Luôn khát khao nâng tầm hiểu biết và phát triển kỹ năng âm nhạc của mình, Khắc Dũng đã theo học và tốt nghiệp khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy Nhạc viện TP.HCM (năm 2000). Anh cũng từng là Chủ nhiệm CLB Ca sĩ trẻ của Hội Âm nhạc TP.HCM. Hiện nay Khắc Dũng đang biểu diễn tại các phòng trà ATB, Ân Nam...
Có một giai đoạn suốt 10 năm (1978-1988), Khắc Dũng phải “lăn lộn” với âm nhạc, với ước mơ cháy bỏng được trở thành ca sĩ. Dạo đó chưa có những cuộc thi âm nhạc tầm cỡ mà chỉ có các liên hoan, hội thi cấp quận, huyện, NVH... Khắc Dũng tham gia tất tần tật những cuộc thi đó. Trầy trật mãi rồi cũng kiếm được dăm giải thưởng “dằn túi” như: giải nhất Bài hát hay trong phim (NVH Thanh niên, năm 1987), giải nhất Liên hoan đơn ca tự đệm (NVH Lao động, 1987). Đến lúc Khắc Dũng tự nhủ “Thôi, chừng đó đủ rồi, từ nay không đi thi hát nữa” thì anh gặp nữ danh ca Tâm Vấn. Chính giọng ca vang bóng một thời này đã phát hiện và tin tưởng vào chất giọng của Khắc Dũng, cho nên khi Hội Âm nhạc TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM tổ chức cuộc thi Giọng hát hay 1988 (tiền thân của các cuộc thi Tiếng hát truyền hình hiện nay) thì bà đã âm thầm sai người con gái đi đăng ký dự thi cho Khắc Dũng. Và, không phụ lòng những ân nhân, lần thi này Khắc Dũng đã “hái” được chiếc huy chương vàng. Khắc Dũng thừa nhận anh có phần may mắn vì dạo đó cùng dự thi với anh có nhiều người hát rất hay, sau này họ là những ca sĩ quen thuộc như: Thùy Dương, Thiên Kim, Hoài Nam, Vinh Hiển... Cũng từ đó, Khắc Dũng trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, tại các sân khấu tụ điểm và cả trong lĩnh vực ghi âm băng
cassette. Một điều đáng ghi nhận là giọng hát ấm áp, truyền cảm của Khắc Dũng có thể “đồng hành” với nhiều dòng nhạc khác nhau: nhạc truyền thống cách mạng, nhạc trẻ, nhạc trữ tình, tiền chiến... mà ở dòng nhạc nào thì tiếng hát Khắc Dũng vẫn mang đến cho người nghe những cảm xúc dạt dào.
Những năm đầu thập niên 1990, các phòng trà ca nhạc xuất hiện rầm rộ ở TP.HCM và Khắc Dũng thường hát ở phòng trà Văn Nghệ, Đồng Dao, M Saigon... Anh chọn dòng nhạc nhẹ, một thời vang bóng (Phạm Duy, Từ Công Phụng, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Ngô Thụy Miên...) và đôi khi là các sáng tác của Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang nhằm thích ứng với không gian của phòng trà.
Ngoài khả năng ca hát, Khắc Dũng còn là nhạc sĩ sáng tác. Chỉ riêng mảng ca khúc thiếu nhi anh đã có hàng chục bài được dựng, rồi những tình ca dành cho những người đang yêu... Năm 2008, Khắc Dũng ra mắt album Bài cho em, trong đó có ca khúc mang tên Nhạc do chính anh phổ từ thơ Bích Khê. Khi rỗi rảnh, Khắc Dũng còn làm thơ, một tập thơ mang tên Phiến đá hình trái tim (NXB Văn nghệ TP.HCM, 2007) mà trong đó Khắc Dũng “tự họa” chân dung mình: “Tôi ngồi-nằm ngửa nằm nghiêng/Rêu rao khúc hát tơ duyên phận người/Tôi đi-đứng hết một đời/Gom dăm nét nhạc, góp lời gió bay/Tôi buồn-vui những cơn say/Huơ tay bắt gió, giữ mây tặng người/Tôi quên-nhớ tiếng em cười/Gọi tim tỉnh dậy, thức mười hai thương...” (Tôi nhìn tôi).
Hỏi, điều gì gây ấn tượng trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của anh, Khắc Dũng cho biết: “Những tác giả, tác phẩm âm nhạc dù là khí nhạc hay ca khúc, dù là nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ hay ca sĩ nhưng một khi đã mang yếu tố cực hay đều mang ấn tượng, thậm chí tác động mạnh đến đời sống và hoạt động âm nhạc của tôi. Có ai đó đã ví âm nhạc như một liều thuốc bổ nhưng nếu sử dụng không cẩn thận nó vẫn gây ra những tác hại”. “Còn dự định ư? - Là một nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn, sắp tới tôi sẽ cho ra một CD ca nhạc phối hợp cả hai khả năng trời cho này, sẽ chọn một trong hai chủ đề là Ở lại với người hoặc Khoảng trống nào cho em. Ước mong đây là món quà đem lại niềm vui cho mọi người giữa cuộc sống bộn bề; đồng thời là lời cám ơn với những người thân yêu, với đất trời đã tạo nên con người Khắc Dũng hôm nay”.
Hà Đình Nguyên
http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200940/20090928002220.aspx

Không có nhận xét nào: