Thứ Hai, 31 tháng 3, 2008

Nhớ Hoài

Thuở chúng mình
Từng củ khoai, trái bắp
Vẫn đầy ắp
Biết bao là tình!

Rồi chúng mình
Cũng có khi được
Những ly bia đầy ắp
Nhưng khó phai mờ
Những trái bắp, củ khoai…

Rồi Một Ngày

Ta về đây mang mang hồn viễn khách,
Đã mềm môi qua ngàn chén rượu cay;
Bỗng thấy đời chỉ là bọt biển,
Mắt miệng đã mù, sầu vẫn chất đầy!

Ta về đây làm con sông u uẩn,
Mà hồn ta đầy những rong rêu.
Bài hát cũ sao ta nghe xa lạ,
Tỉnh cơn say, đời ngã bóng chiều!

Ta về đây gọi tên mình để nhớ,
Và để quên, hết những ngày qua.
Còn gì đâu? Chỉ đôi bàn tay trắng,
Nhìn tương lai: Dòng nước cuốn mờ xa!

Tiễn Biệt

Theo tiễn một quãng đường rồi-thôi-hết,
Nẻo trần gian mờ mịt một bóng người.
Một nắm đất cho người nằm trong huyệt
Một đêm dài – khép lại – một ngày vơi…

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2008

Đèn Cao Áp và Trăng

Trăng và Đèn - Ảnh: Đặng Đức Cương

Cái đèn cao áp vô duyên
Vênh vênh váo váo che duyên chị Hằng.
Thôi rồi một tối đầy trăng !

2002 - Nhâm Ngọ

Hai ngàn Con Ngựa hí vang,
Hai Con Ngựa thắng kiệu vàng về dinh.
Mai vàng trong gió rung rinh ./.

Giao Mùa

Tàn đông rồi tới lập xuân
Thời gian cũ mới tần ngần giao nhau.
Ai hay rồi sẽ ra sao ?

Hoạ Năm Con Rắn - Tân Tỵ 2001

Cái đuôi Con Rắn ngo ngoe,
Nào ngờ Con Rắn nó khè nọc ra.
Rắn làm điên đảo gần xa !

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2008

Bên Bờ

Sông nước mãi cuốn trôi,
Sao ta vẫn đứng yên một chỗ!
Ta đứng đây biết đến bao giờ?
Ôi, chút mộng hải hồ,
Đành vùi trong chăn ấm,
Nằm co ro nghe tháng năm mòn;
Nước tiễn đưa bao xác lá vàng,
Thân ta nặng nên chìm sâu đáy vực…

Sông ơi! Lòng ta mơ ước,
Một ngày nào về với đại dương…

Hương Xưa

Người về tìm lại hương xưa,
Mưa giăng phố cũ, nắng thưa ngõ chiều.

Ta về phố chợ đìu hiu,
Dừng chân lá đổ, nghe chiều tan hoang.
Về nghe từng cánh thu vàng,
Nghe em dệt nỗi cơ hàn thâu đêm.
Ta về như máu về tim,
Như con suối nhỏ đi tìm nguồn xưa…

Ta về đập vỡ gương xưa,
Nghe chiều rưng rức, nghe thơ nghẹn ngào.
Mười năm: một giấc chiêm bao,
Dừng chân phố cũ nghe màu tóc sương!

Từ yêu mây nước bềnh bồng,
Ngày đi để lại bên sông nỗi buồn.
Thương em ngày đó mưa cuồng,
Xa em ngày đó mộng còn biếc xanh;
Bây giờ mây khói xây thành,
Yêu em ta ngắt một cành phù dung…

Úa Lá Thời Gian

Vụ cưới năm nay hẳn được mùa,
Đêm đầy tiếng nhạc đẹp đời chưa.
Ngày rộn pháo hồng e duyên thắm
Kho tình có cạn những chuyến xe?

Ngồi nghe ba vạn với sáu ngàn,
Dần vơi, chừ mới biết lo toan.
Thì nắng đã nghiêng về phía gió
Hắt vàng lên, úa lá thời gian.

Gặp Gỡ Lê Quý Long

Giao lưu tại Nhà Văn Hoá Thanh Niên Tp.HCM, 28.11.1999





Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2008

Nặng Nợ

Chút lòng chia bảy xẻ năm
Dăng sao khỏi hụt, hỡi tằm kém tơ!

Tạ Tội

Xin chân thành tạ tội
Tội bé nhỏ tầm tay
Và ngắn ngủi tháng ngày
Mà tâm tình vướng rộng!

Xin cúi đầu tạ tội
Trước hết với mẹ, cha
Với toàn thể ruột rà
Tôi (như) vô tình tệ bạc…

Thưa với đất vườn sau
Nơi ta đã gởi rốn
Nơi ta đã chôn nhau
Vẫn chưa về thăm được!

Thưa lối mòn ngõ trước
In đậm dấu học trò
Nổi trôi đời xuôi ngược
Thân phận của bèo, tro…!

Tội, chất chồng những tội
Vì ta, ai phải nhớ
Vì ta, ai đã thương…
Thôi, xin đừng nhớ, thôi thương.

Xin cúi đầu tạ tội
Thầy cô giáo kính thương
Dùng roi mà quở mắng
Để cả đời vương vương…

Với tầm tay bé nhỏ
Trả không nổi nợ đời
Tấm thân còn thiếu sót
Huống chi người, người ơi!

Với tháng ngày ngắn ngủi
Được Huế, mất Qui Nhơn
Gần Sài Gòn, phải xa Đà Lạt
Còn Cần Thơ, Phan Thiết, Nha Trang…?

Xin chấp tay tạ tội
Cùng bạn bè mến thân
Những vu vơ hờn dỗi
Dù cho chỉ một lần!

Xin nghiêng mình tạ tội
Với người lỡ yêu thương
Lỡ đưa nhau vào ký ức
Từ tạ nhau… nửa đường!

Bởi thương mà phải khổ
Bởi nhớ phải bâng khuâng
Phải chi là sỏi đá
Cho đời khỏi bận tâm.

Phải chi là sỏi đá
Để chẳng biết thương yêu
Và cũng không thù hận
Nhẹ, đẹp… biết bao nhiêu!

Ôi! Những gì lưu luyến
Rồi cũng quẳng lại sau
Ra đi là… giã biệt
Một “đáp số” như nhau!

Tuyển Thơ Lê Quý Long

VÀI NÉT TIỂU SỬ

Lê Quý Long sinh ngày 22 tháng 12 năm 1945 tại làng Vĩnh Phước, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, một địa danh đã được đi vào lòng người, qua hai câu liễn đối ở đình làng:

Vĩnh bảo long đầu sơn hiến thọ
Phước lưu phụng vĩ thuỷ dâng ba.


Hai câu đối ở bia lăng vị Tiền hiền:

Núi sông muôn thuở gan hùng vĩ
Công đức nghìn năm dạ sáng ngời.


(Hai câu đối ở đình làng đã khiến ông nội của anh phải thất bại khi lều chõng ra Huế tham dự thi Đình: phạm húy! Vì chính cụ là tác giả.)

Anh đã có thơ đăng khá sớm trên báo Phổ Thông và Thời Nay, khi hãy còn là học sinh đệ lục.

Chào đời bên gốc rạ và lớn lên trong chiến tranh, cha mất sớm... nên phải học trễ! Nhờ ba người anh giúp đỡ (nhà chỉ có bốn người con trai), nhất là người anh cả, tận sức chăm lo, anh mới xong được đại học, sau 7 năm “dan díu” với Văn khoa.

SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN

- Bộ Việt sử văn vần (Lịch sử diễn ca, Phúc Sinh, 1971)
- Cho cành buồn nẩy lộc (Thơ, An Tiêm, 1972)
- Như một người tình (Thơ, Lá Bối, 1974)
- Những bài ca nhân ái (Thơ, Văn Nghệ, 1990, NXB Trẻ tái bản 1999)
- Con đường hạnh phúc (Tham luận, in 1972)
- Tuyển thơ Lê Quý Long (NXB Trẻ, 2001)
- Vòng Tay MẸ (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2007)
- Ngõ vào vườn thơ (quy luật các thể thơ), sắp in.
Và nhiều tác phẩm khác, đang còn là bản thảo.


NHỮNG CẢM NHẬN VỀ THƠ LÊ QUÝ LONG
của NGUYỄN ĐỨC HUYNH – Tiến sĩ Văn chương.
(Trích trong “Tuyển thơ Lê Quý Long. NXB Trẻ. TP.HCM 2001)

Mỗi khi nhắc đến thơ Lê Quý Long, nhiều người có cảm nghĩ anh là một nhà thơ của Lục bát. Rất có lý. Nhưng không hẳn như thế!

Lý do thứ nhất

Vào những năm trước 1970, anh đã hoàn thành bộ Việt Sử văn vần (gồm 11 cuốn, lịch sử Việt Nam, theo đúng chương trình giáo khoa, diễn ca dưới thể thơ Lục bát, một thể thơ thuần túy của Việt Nam, cho phù hợp với tựa đề), đã được các bậc thầy có tầm cỡ lớn nhiệt tình ủng hộ, giới thiệu trên các báo chí, trực tiếp giới thiệu tại các giảng đường đại học... như:

- Nhà văn Bửu Kế, giáo sư Đại học Văn khoa Huế.
- Giáo sư Nguyễn Văn Xung, Chủ nhiệm Nhựt báo Gió Nam Sài Gòn.
- Ông Nguyễn Vỹ, Giám đốc Bán nguyệt san Phổ Thông.
- Giáo sư Phạm Việt Tuyền, Đại học Văn khoa Sài Gòn.
v.v…

Thêm vào đó, được sự giúp đỡ thường xuyên cả tinh thần lẫn vật chất, của các cụ Lê Thanh Cảnh (Thân sinh giáo sư Lê Thanh Minh Châu, Viện trưởng Viện đại học Huế) , Linh mục Nguyễn Văn Thích, giáo sư Đại học Văn khoa Huế và cả cụ Mai Thọ Truyền, Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa giáo dục... để rồi năm 1971, bộ sách ấy chính thức được phép xuất bản với số lượng lớn và phát hành rộng rãi... đến tận học đường.

Khi bộ sách hãy còn là bản thảo, giáo sư Bửu Kế đã biên thư cho ông Giám đốc Nhà xuất bản Khai Trí tại Sài Gòn, có đoạn nhận xét: "'mấy cuốn sách của ông Long, lời văn lưu loát, bình dị, dễ hiểu... lại chứa đựng nhiều thi vị”.

Thầy Hoàng Văn Ngũ, chuyên trách ngành giáo dục lại thêm:
"Lê Quý Long là nhà thơ trẻ, có tài. Tương lai còn nhiều hứa hẹn... "

Sau 1975, với chất "lịch sử", chúng tôi e ngại... có thể bị "trái mùa”! Nhưng không, giáo sư tiến sĩ Phạm Hồng Việt, Chủ nhiệm khoa Lịch sử của trường Đại học Sư phạm Huế lại tìm đọc được (có lẽ qua thư viện) và gợi ý cho sinh viên dựa vào đó... làm luận án tốt nghiệp, trong những năm 80.

Lý do thứ nhì

Những năm trước 1990, các bậc phụ huynh, những nhà giáo dục cũng như trên các báo chí, đều tỏ ra rất lo sợ cho lớp trẻ "trên đà xuống dốc trầm trọng về đạo đức", Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM đã cho ra đời đúng lúc tập thơ MẤY BÀI CA NHÂN ÁI của anh. Tiếp sau là nhà xuất bản Trẻ cho in lại, năm 1999. Nhà Văn hóa Thanh Niên TP. HCM tổ chức giao lưu, mời anh gặp gỡ bạn đọc, để giới thiệu tập thơ này, vào ngày 28 tháng 11 năm 1999, tại số 4 Phạm Ngọc Thạch. Đây cũng là tập thơ chỉ thuần túy mỗi một thể loại Lục bát. Theo anh, thêm một nhắn nhủ về "tinh thần dân tộc “Thơ Lục bát là của riêng Việt Nam".

Nhưng, nếu bạn đã đọc CHO CÀNH BUỎN NẨY LỘC (Thơ, An Tiêm, 1972) , NHƯ MỘT NGUỜI TÌNH (Thơ, Lá Bối, 1974) sẽ thấy thơ anh cũng đủ các thể loại, cũng có khá nhiều thơ mới, thơ tự do... Và nếu đọc THOÁNG XƯA, bạn lại thấy như anh chỉ chuyên về Đường luật! Cái đa dạng trong thơ anh đã hiển nhiên, không phải là điều chúng ta muốn bàn đến, mà muốn tìm hiểu thử cái đa dạng trong tư tưởng, trong ý thơ, trong hồn thơ... của anh như thế nào.

Giáo sư Lê Văn Phi đưa ra nhận xét trong buổi tọa đàm cùng các bạn học cũ: "Lê Quý Long đã thành công trong thể thơ Lục bát. Anh sáng tác rất dễ dàng, lời thơ tự nhiên, nhẹ nhàng, ý thơ mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha... lắm khi cũng rất độc đáo nữa là khác!"


Thay cho kết luận, chúng tôi xin mượn câu nói thật chí lý của nhà thơ (Lê Quý Long) đã phát biểu trong buổi giao lưu các bạn đọc, do Nhà Văn Hoá Thanh Niên TP.HCM tổ chức ngày 28.11.1999 tại số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q1, TP.HCM: “Lời nói, không đủ sức để nói nhiều, không đủ khả năng để diễn đạt! Chỉ có thơ, thơ mới đủ sức nói nhiều và thơ mới có đủ khả năng để diễn đạt”.

Vậy, xin nhường lời để thơ Lê Quý Long tiếp tục tâm sự với các bạn.

TP.HCM, 20-01-2001
NGUYỄN ĐỨC HUYNH

Thì Có Nghĩa Gì

Khi hương phấn về khuya, hững hờ ong bướm,
Chuyện rủi may không còn lỗi ở mình.
Đốt mớ giấy tiền hối lộ cõi cao xanh,
Đời làm quỷ ma cợt cười thần thánh!

Khói hương kia – em bước qua bình thản,
Như bước qua định mệnh kiếp người.
Mắt nhắm hờ, miệng mấp máy bờ môi
Em cầu xin gì, con tim rữa nát?

Những thượng đế ban ơn đã say nồng giấc lạc,
Những con cừu non tế lễ đã cỗi già.
Thì có nghĩa gì chút mọn hương hoa
Khi của ngàn vàng đem ra thế chấp…

Tình Hoa Bướm Vàng

Hơn nửa đời xao xác gió,
Lá ngập mấy tầng dưới chân đi.
Hơn nửa đời mưa lặng lẽ.
Nước tràn dâng ngập lối bước về.

Hơn nửa đời ngồi nhóm lửa,
Củi than yêu thương, ngọn khói hẹn hò.
Hơn nửa đời qua mấy độ,
Chiếc bóng nghiêng nằm mộng bãi nắng xa.

Hơn nửa đời em với ta,
Là hơn nửa cuộc tình hoa bướm vàng.