Thứ Hai, 14 tháng 1, 2008

Năm Ấy Về Ngoại (2)

Hôm sau, Chí không theo mẹ đi thăm người thân, mà theo o Thoa đi xem hội đấu vật, đánh đu… Chí thay bộ quần áo khác rồi theo o Thoa ra con đường cái xuyên qua cánh đồng, qua các xã, để đến chỗ mở hội. Hôm nay người đi rất đông, họ kêu nhau cười đùa chọc ghẹo nhau huyên náo cả con đường, và cũng vì vậy mà mọi người đi rất nhanh qua đến xã bên đa nghe tiếng trống từ nơi hội diễn. Nhưng khi gần đến chỗ quẹo vào làng hội, nơi có cái quán dựa dưới bóng cây ngô đồng sù sì, một tốp thanh niên chận o Thoa và Chí lại, nói.

- Cô em ơi! Dừng lại đây với anh một chút, rồi chúng ta cùng đi với nhau!

Họ nói và chắn ngang đường không cho cả hai đi qua, thằng Chí thấy bực lắm. Nhưng với o Thoa, không những không khó chịu, mà còn ỏn ẻn cười với họ. Chí liền bất mãn bước tới, mắt trừng trừng nhìn mấy chàng thanh niên và cầm tay o Thoa kéo đi. Đoạn đường còn lại, o Thoa hỏi gì Chí cũng không nói, nó thấy hờn hờn trong lòng thế nào ấy. Đến lúc đứng trong sân, o Thoa kéo Chí dựa lưng vào lòng, thằng Chí mới thấy nguôi nguôi.

Khi hai người vào sân, thì ở sân vừa xong một cuộc đấu, cuộc đấu kế tiếp chưa tới. Hồi lâu Chí mới nghe gọi tên và có hai vận động viên vào sân. Thì ra một trong hai vận động viên kia lại chính là người thanh niên đã chận o Thoa, tên là Danh. Bây giờ ở giữa sân, anh ta cùng người đối địch đang gằm ghè thủ thế nhìn nhau đợi hồi trống lệnh. Và rồi, hồi trống đã điểm. Cả hai cùng xông tới túm lấy nhau, quần nhau, đem hết sức bình sinh quyết dìm đầu nhau xuống đất. Những kẻ đứng quanh sân xem cả hai bắt đầu ra đòn, liền gào la náo loạn; họ thích thú thét to lên để cổ vũ, kể cả o Thoa.

Nhưng riêng thằng Chí, nó thấy buồn hơn vui, có gì để vui khi nhìn hai con người nghiến răng, trợn mắt dìm đầu đồng loại mình xuống bùn! Tuy thế, nó vẫn phải đứng xem cho tới hồi kết cuộc, lúc đó cả hai “con người” ở giữa sân đều đứng dậy với kẻ thắng người thua cùng hai gương mặt lắm lem bùn đất.

O Thoa thấy Chí không thích xem đấu vật, liền dẫn Chí về nhà người chị họ của mẹ để chơi, chứ chẳng đưa đi xem đu. Ở đây chỉ có hai cô gái ở nhà. Khi vừa thấy nhau là cả ba đều reo lên cùng với những tiếng cười trong trẻo của con gái, khiến cho lòng thằng Chí cũng thấy rộn lên một niềm vui mà nó chẳng biết tại sao. Nhưng khi họ nói với nhau đủ thứ chuyện, kể cả điều riêng tư, nhất là nhắc đến chuyện các chàng trai theo mình thì cả ba cô đều nổi lên cười và kèm những lời nói đáng ra chỉ có riêng họ thôi. Thằng Chí thấy bực mình khó chịu và cũng chẳng hiểu là họ thích hay là ghét chuyện đó, khiến họ vừa cười, vừa nói như bêu.

Chợt ngoài ngõ có tiếng ồm ồm của mấy anh con trai; các cô gái trong nhà liền lặng thinh, họ chỉ nhìn nhau cười bằng mắt như muốn nói điều gì. Chí chưa hết ngạc nhiên thì đã thấy ba, bốn chàng đi vào ngõ thật, lại còn có cả chàng thanh niên đã chận o Thoa. Chí chưa biết phải làm gì, thì thấy o Thoa tỏ ra lúng túng vùng chạy xuống bếp như tránh. Chí định xuống bếp rủ o Thoa đi về, nhưng liền thấy o Thoa cùng bạn bưng nước lên cười nói, mời chào. Thằng Chí lại thấy lòng tưng tức, nó liền bỏ ra đường định đi về. Mặc dù thằng Chí không biết đường, nhưng nó nghĩ cứ đi ngược con đường o Thoa dẫn đi ban sáng là về nhà Ngoại gặp mẹ. Vậy nhưng thằng Chí vừa đến ngã ba, thì o Thoa đã theo kịp, o Thoa choàng vai Chí thủ thỉ:

- Khoan về đã Chí, vào chơi chút nữa! Chiều, o Thoa dẫn Chí về, hí!

Thằng Chí cảm thấy như mất hết phản ứng, nó để cho o Thoa kéo vào.

Trong nhà, các cô gái và mấy chàng thanh niên lại đánh bài. Và dù chán cảnh này, thằng Chí vẫn theo o Thoa ngồi xuống chiếu chịu trận. Người thanh niên tên Danh, vận động viên đấu vật, cũng ngồi kế o Thoa, chẳng biết anh ta nói gì mà cứ khiến o Thoa cười rũ ra. Thằng Chí tuy rất bực nhưng cũng phải ngồi cho đến chiều, đến khi dì dượng của o Thoa về, cuộc chơi mới chấm dứt. O Thoa chào dì dượng rồi cùng Chí ra về.

Lần nầy o Thoa không đưa Chí về đường cũ, mà theo lối mòn sau đôộng cát để đi. Lối mòn nầy phải ngang qua một khe nước nhỏ mới về nhà Ngoại.

Khe nước trong veo, đáy lộ cát trắng, khiến Chí thích quá nhảy xuống lội. O Thoa cũng kéo cao ống quần, lộ đôi chân trần thon trắng nõn nà cùng lội xuống nghịch nước theo với Chí. Cả hai rượt theo những con cá nhỏ trong dòng nước và chơi đùa một lúc thì o Thoa lên bờ gọi Chí:

- Chiều lắm rồi, về thôi Chí ơi!

Nghe gọi, thằng Chí liền nhảy lên bờ theo o Thoa, nhưng o Thoa lại đứng im nhìn nó một lúc, rồi bất chợt nói:

- Chí có biết là… mình rất đàn ông không?

- ..?!

Đột nhiên o Thoa ôm ghì lấy nó, và hôn lên mặt.

Thằng Chí quá bất ngờ đứng im bất động, nghe hương thơm từ người o Thoa thấm qua cơ thể một cơn say, khiến nó bừng bừng lên một cảm giác khác lạ. Cái mùi hương ấy không như mùi nắng thơm áo mẹ, mà như là hương từ cây cỏ, dòng sông, đồng ruộng… hay là gì gì thằng Chí không biết, mà nó nghe mình mê muội đi giữa một chiều xuân, bên khe nước trong vắt ấy!

Năm hôm về Tết nhà Ngoại, là năm hôm liền Chí được o Thoa dẫn đi chơi. Có hôm o Thoa đã đưa Chí ra tận biển Tân Hội chơi trò leo lên đôộng cát cao để tuột dốc thật vui. Thế nhưng nó vui không phải vì được đi chơi, mà đối với Chí đi với o Thoa mới là điều khiến nó sung sướng. Nên sáng mồng bảy, nghe mẹ bảo về, thằng Chí thấy lòng thật buồn. Hôm đó o Thoa cũng theo xuống bến đò để tiễn Chí và mẹ. Lúc đợi đò, o Thoa đứng bên quàng vai Chí và nói: “Chí nhớ về thăm o Thoa, nghe!” Chí chẳng nói gì, chỉ lẳng lặng theo mẹ xuống đò khi người chủ đã đẩy vào sát bến. Lúc đò đã ra xa, Chí thấy o Thoa vẫn còn đứng trên bến cùng với Mơ và Nụ, nó nghe lòng buồn rười rượi.

Bây giờ về Lai Hà, về lại nhà, những ngày ở quê Ngoại, những ngày vui cùng o Thoa đã để lại trong lòng thằng Chí một khoảng trống khiến nó cứ ngẩn ngơ. Nó đã đánh mất cái hồn nhiên thuở nào, chẳng còn thích chơi với bạn bè trang lứa nữa. Thằng Oi, thằng Ri rũ đi câu cá nó cũng chẳng muốn; và nhất là, khi cánh đồng trước làng đã khô rạ, khi làng mời đoàn hát Bội về dựng rạp diễn tuồng toàn xã cùng vui, thì Chí không còn thích cùng bạn chui trộm vào xem hát. Nó thường một mình ra đê, dõi mắt theo bóng con đò sang sông; hoặc khi chiều xuống, thằng Chí hay đứng lặng dưới hàng dương, nghe gió vi vu qua cành liễu mà cứ ngỡ như tiếng thì thầm chiều nào về với o Thoa. Nỗi nhớ chẳng nói nên lời, nó nghe thổn thức trong lòng và trải dài ra với ngày tháng thời gian, để rồi chỉ còn ước mơ mong một lần về thăm quê Ngoại.

Thế rồi mùa đông lại đến, mưa gió cứ sụt sùi với giá rét, khiến nỗi khổ của mẹ như càng tăng thêm cho những buổi chợ sớm chợ chiều. Và hôm đó mẹ ướt mướt từ chợ về bảo:

- Có gặp một người bên kia qua bán hàng, bảo rằng o Thoa vừa lấy chồng, người chồng tên là Danh!

Thằng Chí không còn nghe tiếp điều gì nữa, nó bỏ chạy ra sông. Nó đứng nhìn sông rộng mưa giăng, nhìn bầu trời mờ mịt không bóng dáng con đò. Thằng Chí nghe nỗi nhớ chơi vơi, nhớ đường về nhà Ngoại, nhớ giàn trầu hàng cau, nhớ nẻo tắt sang vườn… và nhớ o Thoa bật khóc…

(Đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật số 20, năm 2000 với tiêu đề “Quê Ngoại”)

Không có nhận xét nào: