Vừa ngoi lên từ đáy nước, thằng Rái đã vội leo lên chiếc thuyền chài với mảnh lưới vướng cành mục và cứ tồng ngồng như Chữ Đồng Tử nhào tới bên bếp để sưởi. Nó đang cóng!
Cái cảnh sông nước của cha con nó vẫn thế bởi quần áo chỉ độc một bộ,cần giữ khô để ngủ, nhất là giữa một đêm đông như thế này. Thằng Rái xuýt xoa: “ Đông này lạnh thật! Lạnh hơn đông trước “ . Lão Diếu ngồi bên bếp. Lão nhìn thằng Rái rồi thêm củi vào. Chẳng biết lão nghĩ gì khi nhìn con như thế. Tuy vậy cũng có lần lão nói: “ Thằng Rái cực quá mà lớn không nổi” . Quả thật trông thằng Rái có vẻ còi, nhỏ xác so với tuổi. Mặc dù vậy, thằng Rái cũng đã thay lão gánh vác việc nhà ba, bốn năm rồi chứ ít sao. Từ ngày nó 14, chị nó đã đi lấy chồng, nhà không còn ai. Thằng Lúi em nó, cũng chỉ phụ cho mấy sào. Còn mẹ nó ư?. Lão Diếu vẫn hay biếm vợ: “ Mụ ấy thì làm được gì? Vá cho đôi lỗ lưới rách là nhiều!”
Hai tay lão Diếu run lật bật lần túi tìm bâu(1) thuốc lá. Từ lúc lâm bạo bệnh, lão bị tật run tay như thế. Lão quấn một điếu rồi chìa cho thằng Rái: “Hút đi! Đỡ lạnh lắm!”. Thằng Rái đón điếu thuốc từ tay cha nó rồi rút que củi đang cháy ra mồi. Nó rít một hơi thật dài rồi nghệt cổ ra nhả khói cách điệu nghệ như một gã trai. Khói thuốc làm nó quên lạnh, nhưng cái cách và ánh mắt của lão Diếu vẫn xem nó như là đứa con nít khiến nó cứ bực mình: “Mình mà là con nít à?”. Nó nghĩ thế.
Sau khi nhìn bầu trời một lúc, lão Diếu nói:
- Đêm nay chắc không ngủ được rồi!
Thằng Rái đã mặc xong quần áo, đã cảm thấy bớt lạnh. Nó đang săm soi cời than và củi, nghe thế liền hỏi:
- Không ngủ thì làm chi?
Lão Diếu vui vẻ giải thích:
- Đêm nay chắc mưa to!
- Không mưa mà đã rét buốt thế rồi chưa đủ sao? thằng Rái càu nhàu - Còn mong gì nữa!
- Mưa thì nước về nhiều hơn, đục hơn. Nghề này chỉ nhờ có vậy!Lão Diếu giảng giải.
Cả hai chưa dứt lời thì đã nghe tiềng gió thổi mạnh trên mặt sông. Con thuyền đã được cắm sào nhưng nó cứ xoay liên tục theo chiều gió và thằng Rái nghe lộp bộp trên mui. Mưa bắt đầu rơi. Nó nghĩ thầm: “Lại một đêm rét buốt khổ cực nữa đây!”.
Gia đình thằng Rái vốn là dân vạn chài. Dân sống không nhà thác không mồ, trôi nổi trên các đầm phá, sông nước. Một cuộc vô định bốn phương. Thằng Rái chỉ ước mơ bình thường như bao người dân khác, có một mái nhà ở xóm làng, một miếng ruộng để cày và những đứa con đi đến trường. Đừng nói rằng người dân vạn chài có cuộc sống tự do tự tại sông nước thênh thang bốn mùa mát mẻ. Không, thằng Rái chỉ mong ước một cuộc sống thật của nó. Ước mong một đêm đông giá được cuộn mình trong mớ bao bố ngủ từ đầu hôm đến sáng mà không sợ nghe mẹ nói hết gạo! Còn những ý tưởng, nó không biết! Dù bây giờ gia đình thằng Rái đã có được một mái nhà nơi rẻo đất cha con thường phơi lưới ở ven sông, nhưng bao năm rồi người ta vẫn gọi là dân “ngụ cư”. Hai người chị của nó cũng lấy chồng vạn chài. Chị Kìm theo chồng sống tuốt trong Đầm Thừa Lưu nước ngọt; còn vợ chồng chị Mòi thì ở Vạn đò Gia Hội, chồng khuân vác và vợ bán mía khúc. Gia đình thằng Rái chẳng mấy dịp thăm họ. Nhưng mới đây có người từ hai nơi ấy về nói rằng: Chị Kìm đã bị chồng bỏ rơi theo người khác ; còn chị Mòi đói rách, nheo nhóc với tật bệnh thế mà chồng chẳng lo, được đồng nào đem chè chén sạch.
Tội nghiệp mẹ, thằng Rái đau lòng khi thấy mẹ kêu khóc: “Cái phận đàn bà, răng mà khổ rứa con ơi!”. Nghe thế lão Diếu lại đay: “Đồ đàn bà dư nước mắt!”. Nói xong ngoảnh mặt chổ khác, hai tay lại lật bật tìm bâu thuốc lá. Còn thằng Rái rủ thằng Khả ra gốc bàng trước đình ngồi hút thuốc. Nó nghĩ mọi sự cũng chỉ vì nghèo!
Sau một đêm vật lộn với gió mưa rét buốt, thằng Rái chỉ mong chóng về bến để chui vào mớ bao bố nơi cái võng tre dành riêng cho anh em nó. Rái không cần cả bữa cơm sáng nóng hổi mẹ nấu sẵn, nó cũng chẳng kịp nghe những lời khoe mẽ tài cán của lão Diếu, nó thèm ngủ. Cho đến khi gọi dậy buổi trưa, lúc ngoài trời vẫn còn lay bay những sợi mưa trong gió lạnh, mùi thức ăn sực nức do mẹ dọn ra nơi cái sạp khiến cơn đói đã bị nén xuống từ lâu giờ bỗng cồn cào bừng dậy làm cho thằng Rái không thể nào ngủ thêm được nữa. Vậy là nó bật dậy vung chân hất mớ bố rách sang bên, rồi nhảy qua sạp vớ ngay bát cơm ngấu nghiến một hơi liền mấy bát no bụng mới buông đũa ngồi xuống. Cách ăn uống của nó lại khiến lão Diếu chửi:
- Ăn uống cái chi lạ! Nếu được ra làng làm sao ngồi mâm với ta?
Thằng Rái thì nghĩ khác: Mình đói thì mình ăn, ăn sao mà chẳng được! Ăn miếng cơm mình làm ra thì có chi đâu mà xấu hổ? Ai muốn ra làng thì cứ sửa!
Sau bữa ăn, thằng Rái lấy phần thuốc đã chia cho mình bỏ vào túi rồi ra khỏi nhà. Trước đây lão Diếu chỉ chìa bâu cho quấn một điếu khi hút mà thôi. Nhưng điều đó không làm nó bận tâm. Cái mà thằng Rái luôn nghĩ đến là một cái bật lửa. Nó muốn có một cái bật lửa để trong túi như một người đàn ông thực thụ. Một người đàn ông không thể đi xin lửa, mà phải có lửa để cho người khác. Thằng Khả, bạn nó, cũng có bật lửa, nhưng cái đó đã cũ, bánh xe bật lửa đã mòn. Thằng Khả là bạn thân của nó từ nhỏ, dù Khả lớn hơn nó hai tuổi và nó chỉ tìm Khả để chơi trong khoảng thời gian được nghỉ từ đây đến chiều. Chúng gặp nhau thì cũng chỉ nói những chuyện tầm phào của những chàng trai mới lớn, hoặc có những đồng cảm như nhau và cả hai chẳng cần nói gì, chỉ nằm yên nơi bộ ngựa ở đầu hồi nhìn nỗi buồn rơi trên cành, sầu đông trụi lá bên ngoài cửa sổ. Thế nhưng bây giờ không thể tìm đến Khả chơi được nữa. Khả đã cưới vợ ba tháng nay. Không thể tìm Khả để chơi cũng buồn thật, nhưng điều khiến nó hối tiếc mãi trong lòng là nó không đến dự lễ cưới của bạn được. Khả đã mời và nhờ nó phụ rể. Khả đã nhắc nó đến mấy lần, nhưng làm sao nó đi được đây, áo quần đâu mà mặc? Từ nhỏ cho đến bây giờ, thằng Khả cũng như nó, chỉ được gia đình may cho bộ đồ ngắn bằng vải go. Loại vải cứng ngắc những hồ, có mùi ngai ngái và chỉ có hai màu đen hoặc đà. Vậy nhưng mỗi lần được may, chúng nó vẫn lấy làm vui sướng lắm, cứ chạy đến nhà bác thợ ngồi để rồi bị bác ta mắng mỏ. Ngay cả Khả chỉ đến ngày cưới vợ mới được may cho bộ đồ dài. Ngày đi hỏi vợ (và những lần đi làm rể) thằng Khả vẫn mượn áo quần người anh họ để mặc. (Còn tiếp)
(1) Cái bâu: loại túi có nhiều ngăn được may bằng bẹ chuối khô, dành để đựng sợi thuốc lá.
Cái cảnh sông nước của cha con nó vẫn thế bởi quần áo chỉ độc một bộ,cần giữ khô để ngủ, nhất là giữa một đêm đông như thế này. Thằng Rái xuýt xoa: “ Đông này lạnh thật! Lạnh hơn đông trước “ . Lão Diếu ngồi bên bếp. Lão nhìn thằng Rái rồi thêm củi vào. Chẳng biết lão nghĩ gì khi nhìn con như thế. Tuy vậy cũng có lần lão nói: “ Thằng Rái cực quá mà lớn không nổi” . Quả thật trông thằng Rái có vẻ còi, nhỏ xác so với tuổi. Mặc dù vậy, thằng Rái cũng đã thay lão gánh vác việc nhà ba, bốn năm rồi chứ ít sao. Từ ngày nó 14, chị nó đã đi lấy chồng, nhà không còn ai. Thằng Lúi em nó, cũng chỉ phụ cho mấy sào. Còn mẹ nó ư?. Lão Diếu vẫn hay biếm vợ: “ Mụ ấy thì làm được gì? Vá cho đôi lỗ lưới rách là nhiều!”
Hai tay lão Diếu run lật bật lần túi tìm bâu(1) thuốc lá. Từ lúc lâm bạo bệnh, lão bị tật run tay như thế. Lão quấn một điếu rồi chìa cho thằng Rái: “Hút đi! Đỡ lạnh lắm!”. Thằng Rái đón điếu thuốc từ tay cha nó rồi rút que củi đang cháy ra mồi. Nó rít một hơi thật dài rồi nghệt cổ ra nhả khói cách điệu nghệ như một gã trai. Khói thuốc làm nó quên lạnh, nhưng cái cách và ánh mắt của lão Diếu vẫn xem nó như là đứa con nít khiến nó cứ bực mình: “Mình mà là con nít à?”. Nó nghĩ thế.
Sau khi nhìn bầu trời một lúc, lão Diếu nói:
- Đêm nay chắc không ngủ được rồi!
Thằng Rái đã mặc xong quần áo, đã cảm thấy bớt lạnh. Nó đang săm soi cời than và củi, nghe thế liền hỏi:
- Không ngủ thì làm chi?
Lão Diếu vui vẻ giải thích:
- Đêm nay chắc mưa to!
- Không mưa mà đã rét buốt thế rồi chưa đủ sao? thằng Rái càu nhàu - Còn mong gì nữa!
- Mưa thì nước về nhiều hơn, đục hơn. Nghề này chỉ nhờ có vậy!Lão Diếu giảng giải.
Cả hai chưa dứt lời thì đã nghe tiềng gió thổi mạnh trên mặt sông. Con thuyền đã được cắm sào nhưng nó cứ xoay liên tục theo chiều gió và thằng Rái nghe lộp bộp trên mui. Mưa bắt đầu rơi. Nó nghĩ thầm: “Lại một đêm rét buốt khổ cực nữa đây!”.
Gia đình thằng Rái vốn là dân vạn chài. Dân sống không nhà thác không mồ, trôi nổi trên các đầm phá, sông nước. Một cuộc vô định bốn phương. Thằng Rái chỉ ước mơ bình thường như bao người dân khác, có một mái nhà ở xóm làng, một miếng ruộng để cày và những đứa con đi đến trường. Đừng nói rằng người dân vạn chài có cuộc sống tự do tự tại sông nước thênh thang bốn mùa mát mẻ. Không, thằng Rái chỉ mong ước một cuộc sống thật của nó. Ước mong một đêm đông giá được cuộn mình trong mớ bao bố ngủ từ đầu hôm đến sáng mà không sợ nghe mẹ nói hết gạo! Còn những ý tưởng, nó không biết! Dù bây giờ gia đình thằng Rái đã có được một mái nhà nơi rẻo đất cha con thường phơi lưới ở ven sông, nhưng bao năm rồi người ta vẫn gọi là dân “ngụ cư”. Hai người chị của nó cũng lấy chồng vạn chài. Chị Kìm theo chồng sống tuốt trong Đầm Thừa Lưu nước ngọt; còn vợ chồng chị Mòi thì ở Vạn đò Gia Hội, chồng khuân vác và vợ bán mía khúc. Gia đình thằng Rái chẳng mấy dịp thăm họ. Nhưng mới đây có người từ hai nơi ấy về nói rằng: Chị Kìm đã bị chồng bỏ rơi theo người khác ; còn chị Mòi đói rách, nheo nhóc với tật bệnh thế mà chồng chẳng lo, được đồng nào đem chè chén sạch.
Tội nghiệp mẹ, thằng Rái đau lòng khi thấy mẹ kêu khóc: “Cái phận đàn bà, răng mà khổ rứa con ơi!”. Nghe thế lão Diếu lại đay: “Đồ đàn bà dư nước mắt!”. Nói xong ngoảnh mặt chổ khác, hai tay lại lật bật tìm bâu thuốc lá. Còn thằng Rái rủ thằng Khả ra gốc bàng trước đình ngồi hút thuốc. Nó nghĩ mọi sự cũng chỉ vì nghèo!
Sau một đêm vật lộn với gió mưa rét buốt, thằng Rái chỉ mong chóng về bến để chui vào mớ bao bố nơi cái võng tre dành riêng cho anh em nó. Rái không cần cả bữa cơm sáng nóng hổi mẹ nấu sẵn, nó cũng chẳng kịp nghe những lời khoe mẽ tài cán của lão Diếu, nó thèm ngủ. Cho đến khi gọi dậy buổi trưa, lúc ngoài trời vẫn còn lay bay những sợi mưa trong gió lạnh, mùi thức ăn sực nức do mẹ dọn ra nơi cái sạp khiến cơn đói đã bị nén xuống từ lâu giờ bỗng cồn cào bừng dậy làm cho thằng Rái không thể nào ngủ thêm được nữa. Vậy là nó bật dậy vung chân hất mớ bố rách sang bên, rồi nhảy qua sạp vớ ngay bát cơm ngấu nghiến một hơi liền mấy bát no bụng mới buông đũa ngồi xuống. Cách ăn uống của nó lại khiến lão Diếu chửi:
- Ăn uống cái chi lạ! Nếu được ra làng làm sao ngồi mâm với ta?
Thằng Rái thì nghĩ khác: Mình đói thì mình ăn, ăn sao mà chẳng được! Ăn miếng cơm mình làm ra thì có chi đâu mà xấu hổ? Ai muốn ra làng thì cứ sửa!
Sau bữa ăn, thằng Rái lấy phần thuốc đã chia cho mình bỏ vào túi rồi ra khỏi nhà. Trước đây lão Diếu chỉ chìa bâu cho quấn một điếu khi hút mà thôi. Nhưng điều đó không làm nó bận tâm. Cái mà thằng Rái luôn nghĩ đến là một cái bật lửa. Nó muốn có một cái bật lửa để trong túi như một người đàn ông thực thụ. Một người đàn ông không thể đi xin lửa, mà phải có lửa để cho người khác. Thằng Khả, bạn nó, cũng có bật lửa, nhưng cái đó đã cũ, bánh xe bật lửa đã mòn. Thằng Khả là bạn thân của nó từ nhỏ, dù Khả lớn hơn nó hai tuổi và nó chỉ tìm Khả để chơi trong khoảng thời gian được nghỉ từ đây đến chiều. Chúng gặp nhau thì cũng chỉ nói những chuyện tầm phào của những chàng trai mới lớn, hoặc có những đồng cảm như nhau và cả hai chẳng cần nói gì, chỉ nằm yên nơi bộ ngựa ở đầu hồi nhìn nỗi buồn rơi trên cành, sầu đông trụi lá bên ngoài cửa sổ. Thế nhưng bây giờ không thể tìm đến Khả chơi được nữa. Khả đã cưới vợ ba tháng nay. Không thể tìm Khả để chơi cũng buồn thật, nhưng điều khiến nó hối tiếc mãi trong lòng là nó không đến dự lễ cưới của bạn được. Khả đã mời và nhờ nó phụ rể. Khả đã nhắc nó đến mấy lần, nhưng làm sao nó đi được đây, áo quần đâu mà mặc? Từ nhỏ cho đến bây giờ, thằng Khả cũng như nó, chỉ được gia đình may cho bộ đồ ngắn bằng vải go. Loại vải cứng ngắc những hồ, có mùi ngai ngái và chỉ có hai màu đen hoặc đà. Vậy nhưng mỗi lần được may, chúng nó vẫn lấy làm vui sướng lắm, cứ chạy đến nhà bác thợ ngồi để rồi bị bác ta mắng mỏ. Ngay cả Khả chỉ đến ngày cưới vợ mới được may cho bộ đồ dài. Ngày đi hỏi vợ (và những lần đi làm rể) thằng Khả vẫn mượn áo quần người anh họ để mặc. (Còn tiếp)
(1) Cái bâu: loại túi có nhiều ngăn được may bằng bẹ chuối khô, dành để đựng sợi thuốc lá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét