Mùa hạ năm đó, khi ngọn gió Lào thổi về hừng hực làm khô khốc cả đồng ruộng và dòng sông, ở quê nó người ta cũng tu bổ nhà cửa cho mùa dông bão sắp tới, thì cuộc đời thằng Rái cũng đươc thay đổi. Nó được cha mẹ cho phụ chú Phu trong những chuyến lên nguồn buôn tranh, tre, mây, gỗ. Mùa này sông nước khô cạn, câu lưới thua kém, thằng Lúi có thể thay nó cùng với cha ra sông và thế là Rái bắt đầu đi buôn. Thằng Rái rất vui khi biết chú Phu tính tình rất phóng khoáng, thích hò hát và lại hò rất hay. Thời trai trẻ của chú cũng vì mê hò hát mà bỏ việc học hành, làm ăn. Ông cụ quá giận bắt phải lấy vợ. Dù vậy trong làng xã chú cũng thuộc hàng có chữ, một thời dạy học đến khi vợ chết mới ở nhà để chăm sóc mẹ. Cậu con trai duy nhất của chú đang dạy học ở một thành phố lớn ở phía Nam.
Thằng Rái vốn cũng là một kẻ mê hò hát, nhưng đáng tội là chẳng biết hò hát gì cả. Trong nhà cũng chẳng ai hò hát gì: cha nó thì cái giọng thổ rè rè, chắc là ghét hò hát. Còn mẹ nó hò hay nhưng chỉ hò dỗ con lúc còn nhỏ, bây giờ con lớn thì chẳng khi nào nghe mẹ hò nữa. Nhưng những lời ca dao từ giọng hò của mẹ cứ dặt dìu suốt cuộc đời thằng Rái. Nhớ những đêm xưa, giữa giấc ngủ mơ màng, tiếng mẹ cất lên vỗ về em nó trong cơn khát sữa nghe mỏi mòn một nỗi buồn vời vợi như lời thở than của một cõi lòng vô vọng.
Đi với chú Phu, cảnh sông nước thì chẳng có chi là lạ đối với thằng Rái, nhưng ra khỏi khúc sông bến phơi lưới mà nó lẩn quẩn từ nhỏ đến giờ thì đây là lần đầu,và giờ này thằng Rái mới biết Trường Giang là dài rộng thế nào. Còn công việc, cũng có những lúc cật lực làm việc mà không có giờ nghỉ nhưng cái tuổi của nó lại vui và có phần lãng mạn với các bè gỗ vượt suối xuôi ghềnh, hay những lần ngược dòng dưới trăng khuya nghe câu hò mái đẩy cất lên cao vút giữa đêm ngàn khiến cho kẻ xa quê thấy chạnh lòng man mác…
Những lần cắm thuyền đợi bao ngày trên bến sông Ô Lâu. Những đêm dài nơi bến lạ ngồi buồn, chú Phu thường kể chuyện đời cho bọn thằng Rái nghe, chú kể lại thời trẻ của mình với câu hò điệu hát trai gái ngày đó thật vui: bờ ruộng, nương dâu, đêm trăng giã gạo, gái trai đối đáp thâu đêm. Ngày đó chú cũng chẳng biết hò, trốn vào Huế tìm trường để học. Sau này hò được là đi suốt đêm, nghe đâu có hò hát là đi liền. Có lần bỏ cả công việc, qua bên kia sông hò mấy ngày khiến ông cụ giận quá lôi về đánh cho một trận nhưng vẫn không chừa. Ông cụ đành phải bắt lấy vợ, nhưng lúc đó chú đã có tình yêu với một cô gái quê ngoài kia . Cô ta phụ cho người dì vụ gặt năm ấy. Cả hai đã yêu nhau qua câu hò tiếng hát và chú Phu xin khất lại ba tháng. Đùng hẹn cô gái trở vào, chú Phu liền nói rõ ý định cầu hôn, nhưng cô gái chỉ buồn buồn không nói. Hai người ở bên nhau mầy ngày rồi chia tay. Lúc sắp giã từ, cô gái nói: “ Chia tay nhau lần này là hết, bởi ba mẹ em đã gả em cho người ta và tháng này cưới. Hãy tha lỗi cho em!”
Nói xong cô gái bật khóc rồi bỏ chạy. Từ đó họ cách biệt nhau. Sau này còn nghe nói, cưới nhau được vài tháng thì cô gái lâm bạo bệnh mà chết.
Nghe đến đây thằng Rái cũng nhuốm buồn nỗi buồn của người kể chuyện. Và nó cũng tiếc cho thời đại của mình, chẳng còn cảnh trai gái hò hát với nhau nữa. Bỗng nhiên thằng Rái có một thắc mắc kỳ lạ, nó tự hỏi những đứa con của nó sau này có còn được nghe những giọng hò đưa nôi hay không?
Lúc Rái theo làm cho chú Phu thì một ngày công ba chục đồng, mười đồng đong được sáu lon gạo. Nhưng thằng Rái làm tháng nên được trả hai chục đồng. Đó là một công việc có tiền công quá mong ước của mọi người. Đi như thế này, nó mới hiểu được câu” mua tận gốc, bán tận ngọn“ là thế nào. Bây giờ thì nó đã biết rất nhiều và làm được rất nhiều việc. Sau này nếu chú Phu không thuê nó nữa thì nó cũng có thể kiếm việc để làm. Nó mang trong lòng ước mơ đổi nghề, đổi đời từ đó.
Nhưng tất cả mọi điều chẳng hề khiến nó bận tâm suy nghĩ, chỉ có chuyện tình bi thương, huyền hoặc của chú Phu làm nó tơ tưởng mà thôi. Chú kể tiếp: Ngày đó, sau khi vợ chú mất, chú còn rất trẻ, cũng xuôi thuyền dưới một đêm trăng thế này. Lúc đó gần nữa đêm, trăng sáng vằng vặc, bỗng từ thuyền phía trước một giọng hò cất lên: "Hò… ơ… ơ… Đường về ngày đó xa khơ…khơi, Cách sông… cách suối… cách chàng… chàng ơi!... Hò…ơ…ơ…Gặp chi một thuở trong đời …Để thương… để nhớ… để mình về đâu?... Hò … ơ… ơ … đêm nay trăng giải mối sầu… Sông dài trời rộng… khoang thuyền đơ…đơn… côi!"
Chú Phu không khỏi giật mình tự hỏi, tại sao có giọng hò giống người xưa như vậy, lại còn đúng tâm tình của mình là sao? Chú Phu bảo những người bạn chèo mạnh hơn, rồi hò đáp lại: "Hò… ơ… ơ… người đi bộ ấy xa xăm… Cách sông… cách núi… cách tình sao vơi? Chờ nhau mấy độ sao dời… Trông nhau chưa hết cuộc đời còn trông… Hỏi người có phải cố nhân… Gặp nhau có phải duyên trờ…trời… hay không?... Đêm nay xuôi ngược dòng sông… Cùng ai xin giải mối sầu… thuở nao!...". Nhưng sao chiếc thuyền nhỏ phía trước chỉ có một người con gái chèo sao nhẹ nhàng thế, mà thuyền chú ba tay chèo vẫn không sao đuổi kịp. Chèo thế nào thì hai thuyền cũng cách xa nhau một con sào, hai thuyền đâu xa nhau là mấy, chú đứng ở mũi thuyền nhìn cô gái trên lái thuyền trước. Cũng dáng dấp ấy, cũng giọng hò ấy, sau người không quay lại nhìn nhau một lần chứ hò để làm gì, nhắc lại chi những lời nói trước với nhau! Chú Phu chưa hết bồi hồi bởi ẩn ý trong những câu hò thì thuyền đến một ngã ba sông bàng bạc sương khói dưới trăng khuya và chú Phu cũng không còn thấy chiếc thuyền phía trước đâu nữa.
Nghe kể tới đó, bạn chú cũng là chị họ của cô gái kia nói: “Thật ra thì em tôi không phải vì bạo bệnh mà chết, mà sau đêm tân hôn, người chồng nói rằng em tôi không còn trong trắng, rồi từ đó dằn vặt, hành hạ từng ngày!”.
“Đồ bệnh hoạn!”. Chú Phu tức giận: “Chưa bao giờ tôi gặp người con gái nào đoan chính như cô ấy! Yêu nhau thế, nhưng không khi nào tôi cầm được bàn tay!”.
Bạn chú nói tiếp: “Thế rồi một hôm, người ta không thấy em tôi về nhà, liền túa ra tìm. Nhưng chẳng tìm gặp đâu cả. Họ chỉ thấy đôi dép em tôi để lại bên bờ sông. Sau này cũng có người nói, thoáng thấy em tôi trên một chuyến đò…”.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét