Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007

Thuở Ban Đầu

Thương nhớ Hoa Nguyên Sinh

- Đêm hôm nọ gặp
người ở đầu sông
đôi tay thanh thản gác mái
xuôi dòng
đò chở trăng vàng đi rải từ bến bắc – nam
sang bến tây đông.

- Đêm hôm nay
Bên dòng sông thu cô tịch
trăng không – đò không
– người xưa không!
hai bờ trầm mặc
gió đưa hồi chuông u minh
vọng lại
Một niềm thương nhớ
Hương loài “Hoa” dại
Từ thuở Nguyên Sinh.

Đêm thu 2007

Thoáng Hồng

Người nâng cơm áo người lên
Người nghe nhè nhẹ buồn tênh những buồn
Người nhìn lá đổ chiều buông
Lật trang ký ức gợi nguồn nhớ nhung
Người trông mây nước chập chùng
Cất cao danh lợi…lạnh lùng thêm cao!
Lá xanh tình lá dạt dào
Cúc vàng tình cúc, lẽ nào vàng xa
Tình trời mở rộng bao la
Tình người trải rộng thiết tha những tình…
Hãy im lặng khẽ gọi mình
Chấp đôi cánh nhẹ cho mình bay lên
“Tầm thường” xếp lại một bên
Cho thanh nhẹ lướt giữa mênh mông đời
Thoáng hồng vụt mãi ngoài khơi
Cho tình nhè nhẹ cho đời thanh thanh.

Đi Đường

Đi đường mà dóng hàng ngang
Không gây cản trở cũng mang hoạ vào
Đi đường đừng cất giọng cao
Vỗ tay, huýt gió, nghêu ngao hát hò…
Trên đường còn lắm cái lo
Mẻ chai, cục đá… dọn cho sạch đường.
Không người thì cũng ta vương.
Có ai không muốn đi đường bình yên!

Thuở Yêu Em

Thuở yêu em buồn đau từng cọng tóc,
Từng nhánh thần kinh, từng dòng máu âm u.
Vì yêu em, anh tin Thiên Đàng có thật,
Vì yêu em, anh đốt nến nguyện cầu.

Thuở yêu em, anh nghe lòng quạnh vắng,
S­ương gió khuya khắc khoải gọi tên ai !
Vì yêu em, anh thấy mình bèo bọt,
Mãi lênh đênh trên năm tháng u hoài.

Thuở yêu em, nên yêu đời phiêu lãng,
Hồn lang thang theo gió bạt ngàn ph­ương.
Vì yêu em, anh mơ thành thi sĩ,
Thích làm thơ ca ngợi nỗi cô đơn.

Thuở yêu em, anh thành người bệnh hoạn,
Vì tình yêu cũng là thứ vi trùng;
Khi nhớ th­ương bạo hành lên cơn sốt,
Anh điêu linh, anh khốn khổ vô cùng.

Thuở yêu em, anh sống đời cô lữ,
Bước sông hồ uống mãi chén đau th­ương.
Dù thời gian có làm tim rỉ máu,
Anh vẫn say... Thà một phút huy hoàng.

Thuở yêu em, anh thành tên du mục,
Một đêm nao hồn lạc lối thiên thai.
Vì yêu em mà lòng anh khánh kiệt,
Kỷ niệm hồng nh­ư hạt bụi trên tay.

Thuở yêu em, anh thành ng­ười vô đạo,
Muốn vung g­ươm chém nát cả trần gian.
Thà yêu em, dẫu có về địa ngục,
Còn hơn không mà đư­ợc đến Thiên Đàng

Thuở yêu em, anh như­ tên tử tội,
Cầu xin một lời, một tiếng, một quyền uy.
Vì yêu em, anh nh­ư ngư­ời hấp hối,
Màu hiển linh đã rợp bóng tà huy !

Đất Khi Ấy Là Anh

Khi giọt mồ hôi lăn xuống đường cày,
Đất nhận lời – nhập cuộc.
Chẳng tính toan, thề thốt
Sẵn sàng trao thân.

Cứ chọn giống đi và biết cách làm tình
Đất sẽ trương phình bốn mùa sinh nở.
Dĩ nhiên còn tuỳ thuộc ít nhiều vào nắng mưa - thời vụ
Nhưng vấn đề ở chỗ tin yêu.

Lưng vốn bỏ ra, liệu có buông liều,
Đánh trò may rủi.
Một đời còn chút gì để lại.
Buông tay cày, đất khi ấy là anh.

Cùng Chia

Em, vị nữ thần
đem may mắn đến.
Anh, tên cùng khốn
đưa tai ương về.

Trong ngôi đền năm tháng
Hoạ phúc ta cùng chia.

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2007

Nguyên Sinh Khai Hoa

Tưởng nhớ bác Hoa Nguyên Sinh
Nguyễn Văn Hoa 10.06.1942 - 16.11.2007
***
Nguyên Sinh tròn một kiếp người,
Hoa khai sẵn một nụ cười trong ta.
Đất, trời, mây, nước bao la.
Đó. Đây. Rồi sẽ chỉ là Một thôi.

Như Nguyện

Tặng thân hữu Như Hoài - Hoa Nguyên Sinh

Gặp nhau từ thuở vô cùng
Hôm nay hạnh ngộ trùng phùng ở đây
Thế rồi "Hoài" nguyện đông - tây !
Cội mai đẫm tuyết -
chờ ngày đơm hoa...

Vào thu 2006

Gọi Về

Trực chỉ Tào khê mấy dặm quê,
Mấy dặm rong chơi một nẻo về.
Khẽ nghe, ly biệt lời suối kể,
Lá rụng chờ ai cội Bồ đề.

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

Em

Em là giọt nắng hồng,
Gieo xuống đời mênh mông.
Hồn ta, con thuyền nhẹ,
Lạc ngoài muôn bến sông.

Ta rong chơi ngày tháng,
Qua mấy cuộc tình buồn,
Để hồn : Mây lãng đãng,
Để lòng chùng đêm s­ương.

Chút h­ương cà phê đắng,
Cũng gợi thầm trong ta,
Những cung trầm, phiếm loạn
Một chiều xa... rất xa.

Đ­ường em đi hoa đỏ,
Đ­ường em về hoa vàng,
Em đi, mùa thu nở,
Em về, mùa thu tàn.

Hỡi em, con dế nhỏ,
Hát hoài mấy cung th­ương,
Tình yêu là ánh lửa,
Khi đời : Bóng tịch d­ương !

Chị Dung

Chị Dung bị bệnh tâm thần,
thường ghé nhà tôi xin tiền mỗi ngày.
Tôi vẫn lo có ngày chị sẽ không còn đến nữa.
Thế rồi chị bị xe đụng và đã qua đời.

Chiều chiều chị đến nhà tôi
Chút tình chút nghĩa ở đời trao nhau.
Mất rồi, mới biết lòng đau !

Học

Gần già mới học chữ Nho
Cái nghiên cái bút tròn vo một mình.
Chữ “tâm”, chữ “tính”, chữ “linh” ./.

Xóm Giềng

Càng suy càng thấy ngậm ngùi
Xóm giềng no đói có người có ta
Ruột rà kẻ cận người xa
Xóm giềng hôm sớm cùng ta ngày ngày
Vui buồn hàng xóm cùng hay
Ốm đau đã có bàn tay xóm giềng…
Các con sống chớ gây phiền
Trong tương quan ấy…gắn liền đời ta
Hãy theo ước vọng mẹ cha
Trung thành, chân thật, ôn hoà, cảm thông…
Thương người như thể thương lòng
Giúp người như thể mình mong giúp mình.

Giặt Áo Bên Khe

Ai ngồi giặt áo bên khe
Để người ta thấy, ra về vấn vương.
Tôi đây là kẻ qua đường.

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2007

Vàng Phai Mấy Độ

Vàng phai mấy độ thu phong,
Đàn chim mỏi cánh về trong s­ương mù;
Đá buồn nhỏ lệ thiên thu,
Sông buồn sông cũng viễn du ph­ương nào !
Đêm nghe lạnh buốt tinh cầu,
Chiều quê vắng khúc đồng dao ngọt ngào.
Giật mình tỉnh giấc chiêm bao,
Thấy đời mình đã nhuốm màu tà d­ương...
Thôi, về rũ áo phong s­ương
Ngâm nga mấy khúc " Đoạn Tr­ường Tân Thanh"
Bạc phai từng sợi tóc xanh,
Nghe tình còn vọng những thanh âm buồn.
Đời ta lỗi hẹn bao lần,
Để con cuốc lẻ trên ngàn kêu th­ương.
Giờ như­ cỗ mộc bên đ­ường,
Ung dung ngày tháng, mặc s­ương gió đời.

Thu đông mấy độ tàn rơi,
Sao lòng còn bận những lời nư­ớc non ?!

Vàng Phai Mấy Độ - (Tựa)

Tôi đã từng nghĩ thơ ca phải chăng là chiếc cầu vồng muôn màu gọi ta phải nhìn ngắm, là cung đàn muôn điệu thúc giục ta phải lắng nghe. Nhìn ngắm, lắng nghe với mối đồng cảm cao khiết. Và tôi đang tìm màu sắc nào đẹp, lắng nghe âm thanh nào trầm bổng trong "Vàng phai mấy độ", một thi tập của nhà thơ xa xứ Lê Sơn Thạch.
Vàng phai mấy độ thu phong
Đàn chim mỏi cánh về trong sương mù
Đá buồn nhỏ lệ thiên thu
Sông buồn, sa cũng viễn du xứ nào
Bạc phai từng sợi tóc xanh
Nghe tình còn vọng những thanh âm buồn. . .
Bài thơ chủ điểm là dấu ấn mang tín hiệu vàng phai mấy độ của Lê Sơn Thạch, là lời gợi mở thông thoáng. Dù ở góc trời nào (quê h­ương hay tha ph­ương), con ng­ười sau khi trải qua nhiều bư­ớc thăng trầm chìm nổi đều giật mình soi lại mái tóc trư­ớc g­ương. Phải chăng thanh âm buồn là kỷ niệm, là hồi ức; là thói đời, là mặt trái của chữ tình mà những ng­ười trong cuộc, dù còn t­ương hợp hay đã ly tan đều luôn ấp ủ. Đó cũng nh­ư là thú đau th­ương dành cho một nhà thơ?
Tìm đến với tình yêu, chúng ta bắt gặp một Lê Sơn Thạch bùng nổ như­ng rất lãng mạn :
Thuở yêu em buồn đau từng cọng tóc
Từng nhánh thần kinh, từng dòng máu âm u
Vì yêu em, anh tin Thiên Đ­ường có thật
Vì yêu em, anh đốt nến nguyện cầu
(Thuở yêu em)
Lê Sơn Thạch không ca ngợi thân xác phù du mà đau buồn với từng cọng tóc một cách tinh tế.
Sau trạng thái buồn đau, thất thần, ng­ười thơ sẽ tự cân bằng để tìm lại niềm sâu lắng :
Ngày nào về bên dòng suối êm đềm
Ta chẳng còn gì để nói yêu em
Nhìn bóng thời gian nghe con suối hát
Nghe tình lắng sâu trong máu trong tim
(Về trên phố núi)
Thế giới tình cảm của nhà thơ thật đa dạng, phong phú cho nên nỗi buồn, niềm vui, khát vọng, uẩn ức sẽ tan nhòa để tự nhận mình là đứa con hoang sau khi tắm mát trên dòng sông kỷ niệm :
Ta xếp tàn y thắng yên trên ngựa
Gọi bốn ph­ương mây gió hãy dừng chân
Cho ta về tắm dòng sông thanh thủy
Cho ta về như­ một đứa con hoang
(Về nguồn)
Trong dòng đời chìm nổi, chính vì đã trải qua lắm nỗi phong trần mà mọi người cha, người ông đều ghi ấn t­ượng sâu sắc đối với những đứa con, đứa cháu ra đời. Đó là những đóa hoa, vì sao, giọt nắng...
Ta viết bài thơ
Mừng vì sao mới nở
Một bông hồng vừa dang cánh cho đời
Trái đất thêm nụ c­ười
Và nhân thế thêm nhiều lo nghĩ
Có phải con là chân lý
Là dòng sông hiện tại nối t­ương lai
Là niềm vui
Là hy vọng
Là n­ước mắt đêm dài
Là ư­ớc mơ đã thành trái chín
Là mật ngọt xua tan cay đắng
Là giọt nắng hồng
Là suối n­ước trong
(Mừng đầy tháng Lucky)
Trư­ớc cảnh quan kỳ vĩ, ngàn hoa đua nở, Lê Sơn Thạch vẫn ngùi nhớ hoa cau, hoa b­ưởi, hoa xoan ở quê nhà :
Rừng thông nở trắng ngàn hoa
Dòng sông trải lụa trắng ngà êm trôi
Như­ hoa cau rụng, như­ hoa bư­ởi rơi
Hoa lê nhuộm trắng khung trời cố h­ương
Hoa xoan trắng ngập sân tr­ường
Ở đây hoa tuyết mãi v­ương chân ngư­ời
(Hoa tuyết)
Phải chăng hồn quê vẫn luôn luôn vấn v­ương trong lòng ng­ười xa xứ. Mỗi ngư­ời xa xứ đều có một cảnh ngộ :
Ai ngờ một chuyến ra đi
Là thiên thu vĩnh biệt quê h­ương rồi
Bao mùa lá rụng tuyết rơi
Có đàn chim Việt bên trời bơ vơ
(Về thăm cố h­ương)
Khi cuộc thế xoay vần, mối thắt gút đư­ợc mở ra, định kiến đư­ợc giải tỏa thì đàn chim Việt kia sẽ bay về tổ cũ. Với bài thơ "Về thăm cố h­ương”, nhà thơ Lê Sơn Thạch vừa thắt vừa mở nên ngày về vẫn là đáp số gần xa.
Năm 1968, lư­u dân trên đ­ường mở đất ph­ương Nam đã biến đất hoang thành ruộng lúa phì nhiêu. Đ­ương nhiên, tổ tiên đã mang đậm khí tiết lư­u dân trên đường khai biên mở cõi. Con người xa xứ dù không mở cõi khai biên như­ng cũng có tâm trạng:
Ta như ­những lưu dân
Tìm quê h­ương đã mất
Trên đ­ường chiều hiu hắt
Chuông giáo đ­ường ngân vang.
(Khi những lưu dân trở về)
Trở về cố h­ương đâu chỉ thuần đi thăm những danh thắng, cảnh quê một thời cho đỡ nhớ. Đó còn là đi viếng và nghiêng mình một cách thành kính, cảm thông tr­ước đồng bào mình đã vĩnh viễn nằm xuống.
Ngư­ời nằm xuống, chiếc lá vàng rơi cô tịch
Như­ tinh s­ương rụng một đóa luân hồi
Ng­ười ra đi là trở về với đãt
Đất ôm ng­ười như­ mẹ ôm con
(Cho những ng­ười nằm xuống)
Từ dòng chảy vô tận của thi cảm, Lê Sơn Thạch trong hành trình quy cố h­ương bằng tâm t­ởng đã khôn nguôi nhớ đến các địa danh : Huế, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Cần Thơ... Ở các nơi đó, nhà thơ đều gởi lại tấm lòng qua hồn thơ mở rộng muốn ôm ấp cả biển trời, sông núi dành cho toàn dân tộc chứ không phải dành riêng cho một ai. Thế là quê h­ương trong lòng vẫn ấp ủ cả cái còn cái mất. Cho đến ngày nhắm mắt, tình nghĩa khó phôi phai.
*

Bởi, mỗi nhà thơ là một thế giới thì mỗi một diêm quẹt một ngọn đèn, một ánh hỏa châu không soi thấu hết vòm trời bao la.
Bởi mỗi tâm hồn thơ là một vũ trụ thì một cánh diều, một khinh khí cầu, một con tàu vũ trụ cũng không thể khám phá đến tận cùng.
Đành mư­ợn hồn thơ của Lê Sơn Thạch để hẹn hò :
Ta ư­ớc mơ một ngày xanh lá
Nhờ mùa xuân rực rỡ cánh rừng mai
Cho muôn chim về ca hát đêm ngày
Và non n­ước đón xuân về trẩy hội
(Rừng đã cháy)
Ta về như­ máu về tim
Nh­ư con suối nhỏ đi tìm nguồn x­a...
(H­ương xư­a)
Đêm Biệt trang Xử quân tử (Thủ Đức)
Ngày Phú Lạc (Bình Chánh)
1 7. 8. 2007
Kiên Giang

Vàng Phai Mấy Độ - Tập thơ

LÊ SƠN THẠCH
Tên thật là Lê Trung Nghĩa - Tuổi Mậu Dấn - 1938.

Quê quán làng Gia Cát, Sơn Thạch (nay là xã Quế Phong), huyện Quế Sơn, Quảng Nam.

Làm thơ (bút hiệu Lê Sơn Thạch), viết báo (bút hiệu Quế Phong) từ những năm 1960.

Năm 1968, cùng với Nguyễn Quang Tấn, Vũ Hữu Định, A Khuê, Trần Quang Lộc... thành nhập Nhóm Thi Ca "Ngậm Ngãi Tìm Trầm" tại Đà Nẵng và là Trưởng Nhóm.

Từ 1070 đến 1975 là Chủ Tịch Phong Trào Du Ca VN tại Pleiku-Kontum.

Định cư tại Hoa Kỳ từ tháng Giêng, 1993.
Hiện làm việc tại Trung Tâm Văn Hoá và Dịch Vụ Đông Dương, thành phố Tacoma, tiểu bang Washington.

Thằng Rái (3)

Hôm đi chuyến cuối cùng, chú Phu ghé thuyền nghỉ rồi vào chợ Mỹ Chánh, thằng Rái hỏi mượn tiền hớt tóc, chú đưa cho nó một trăm. Đây là lần đầu tiên trong đời Rái có một số tiền lớn trong túi, nó có cảm giác “oách oách“ thế nào ấy. Sau khi đi hớt tóc hết năm đồng, thằng Rái quyết định mua cái bật lửa hết tám đồng. Nó đi quanh chợ xem chơi với vẻ rất tự tin. Lúc đến hàng vải vóc quần áo, bà chủ hàng mời chào:
- Mua áo quần đi cháu!Có nhiều thứ đẹp lắm!
Thằng Rái liền hỏi:
- Không may đo cho tôi làm sao có áo quần vừa?
Bà chủ cười giải thích:
- Ai cũng có số hết, như số này thì vừa với cháu!
Nói xong bà chủ lấy một bộ đồ đưa cho nó và bảo mặc thử. Đó là bộ đồ có áo dài tay màu trắng, với quần kaki màu vàng. Rái cầm rồi ướm thử chơi: “Vừa!... Vừa thật!... mà rất đẹp!”. Rái thầm nghĩ: “Sao họ biết cả số đo mình? Số mình không trùng với ai, với người Tây hay Tàu!”. Nhưng cho dù là thế, thằng Rái ngại ngùng mắc cỡ trả vội bộ đồ cho bà chủ mà nghĩ mình chẳng mua nổi đâu.
Bà chủ nói:
- Mua đi bán cho một trăm đó!
- Cháu không đủ tiền – Nó nói – chỉ còn tám bảy đồng thôi!
Nói xong Rái bỏ đi. Bà chủ gọi lại:
- Thôi được thấy cháu thật thà dì bán cho!
Quá bất ngờ thằng Rái không nghĩ mình mua được bộ áo quần, nó đưa tiền và nhận gói đồ. Đến khi về thuyền, thằng Rái nghĩ lại và thấy sợ: “Mình chưa xin phép mà đã mua áo quần, chắc thế nào cũng bị đánh!”.
Chiều hôm sau về nhà, dù chưa biết chuyện bộ áo quần, thằng Rái vẫn bị lão Diếu mắng:
- Hớt cái kiểu tóc gì giống như thằng ba trợn!
Sững sờ một lúc nó nói:
- Ba trợn chi mô!
Lão hét:
- Răng không hớt ca-rê?
Thằng Rái phân bua:
- Thì dưỡng mai xanh mà!
Nghe tiếng con về và đang bị mắng, mẹ Rái chạy vào:
- Thôi mà ông, con lớn rồi, ưng răng thì cho hắn hớt rứa!
Và xoay sang Rái:
- Ừ, nhìn cũng ra con trai, lớn lắm!
Mẹ bao giờ cũng độ lượng và yêu thương. Rái kéo mẹ xuống bếp, đưa bộ áo quần và tiền làm công hai tháng rưỡi. Sau khi giấu bộ đồ nó đã mua, mẹ Rái cầm tiền ra khoe với lão Diếu:
- Trời ơi tiền nhiều chưa! Từ khi lấy ông tới chừ, chưa khi mô tôi cầm được số tiền như ri, mà nợ thì cứ dồn lại. Số tiền ni tôi trả bớt ít nợ và sắm thêm câu lưới.
Chiều đó thằng Rái lại ra sông cùng với em nó. Lão Diếu đứng trước cửa nhìn hai đứa làm. Cũng như trước, thằng Lúi vẫn chuẩn bị con cúi (2) để mang theo,nhưng thằng Rái bảo để lại và cho thấy cái bật lửa mới keng trong túi.
Hôm nay ra khơi cũng như mọi hôm, sao thằng Rái nghe như có cái gì khác lạ, nó thấy mình như lớn hơn, vững vàng hơn khi tự tay cầm chèo trước dòng sông rộng.
Sau mẻ lưới chạng vạng, nó đưa thuyền về nghỉ thì thấy chiếc thuyền của cha con lão Chái ở đó. Lão đã chết vợ và sống với ba đứa con nhỏ lây lất trên chiếc thuyền cóc quanh các cồn bãi. Thấy thuyền thằng Rái cập vào, cô bé Nhạn con lão cầm đèn nhảy sang xin lửa. Đôi má của cô gái mười sáu ửng lên bẽn lẽn dưới ánh sáng của ngọn đèn trong thuyền, cô bé nói:
- Cho xin chút lửa!
Thằng Rái bỗng nghe lòng rộn lên, đưa tay vuốt vuốt mái tóc vừa hớt dưỡng, hỏi:
- Lấy lửa làm chi?
- Nấu cháo!
Thằng Rái liền lấy cái bật lửa mới có đính sợi dây nơi miệng túi ra đốt đèn cho cô bé. Nó thấy trong đôi mắt đen láy của cô bé Nhạn ánh lên vẻ ngưỡng phục khi nhìn nó. Trong phút chốc, thằng Rái thấy mình thật sự là một gã “đàn ông“. Nó nói:
- Cho nấu chung với!
Sau đó thằng Rái bảo thằng Lúi đem sang thuyền cô bé một con cá hanh (3) để nấu cháo ăn chung.
Tối đó, sau khi cùng với em nó sang ăn cháo bên thuyền lão Chái về, đôi mắt và nụ cười của cô bé Nhạn như cánh bướm chập chờn bay trong tâm trí nó. Và đêm ấy, đôi cánh bướm đã bay vào giấc ngủ khiến nó phải nằm mơ. Nó mơ thấy mình đi hỏi vợ và thấy mặc bộ đồ đã mua theo sau cha mẹ đến nhà gái mà chẳng phải mượn quần áo của ai./.
- Đã đăng trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 614, 01.09.2007 -

(2) Con cúi: vật kết bằng rơm dùng để úm lửa (giữ lửa) được lâu.
(3) Cá hanh: loại cá ngon, hiếm và đắt tiền, người dân chài thường đem bán chứ không dám ăn.

Thơ Tình Viết Trước Cơn Mưa

Nếu em không về,
Chắc có người sẽ buồn nhiều - nhớ lắm.
Từng đêm đen, ly đắng chỗ ngồi
Khói thuốc say mềm con mắt, bờ môi.
Nghe da diết khúc nhạc sầu giã biệt.

Nếu em không về,
Từng đêm mưa rớt.
Lối gầy ướt đẫm suy tư.
Bài thơ bao lần định viết
Cứ dỡ dang theo thi tứ mong chờ.

Nếu em không về,
Đường thị trấn sũng mưa.
Từng bóng đèn đường loang bóng nước
Nằm im hơi
Quên ngày tháng sang mùa.

Nếu em không về,
Đời thành chuyện ngày xưa.
Có kẻ lang thang đi về trong tích cũ
Để anh cứ là anh thuở đó.
Và em yêu còn ngát mộng hôm nào.

Tìm Xóm Hoa Mai

Đi cho cuối núi cuối sông,
Hoa mai một xóm ẩn trong vô cùng

Thằng Rái (2)

Mùa hạ năm đó, khi ngọn gió Lào thổi về hừng hực làm khô khốc cả đồng ruộng và dòng sông, ở quê nó người ta cũng tu bổ nhà cửa cho mùa dông bão sắp tới, thì cuộc đời thằng Rái cũng đươc thay đổi. Nó được cha mẹ cho phụ chú Phu trong những chuyến lên nguồn buôn tranh, tre, mây, gỗ. Mùa này sông nước khô cạn, câu lưới thua kém, thằng Lúi có thể thay nó cùng với cha ra sông và thế là Rái bắt đầu đi buôn. Thằng Rái rất vui khi biết chú Phu tính tình rất phóng khoáng, thích hò hát và lại hò rất hay. Thời trai trẻ của chú cũng vì mê hò hát mà bỏ việc học hành, làm ăn. Ông cụ quá giận bắt phải lấy vợ. Dù vậy trong làng xã chú cũng thuộc hàng có chữ, một thời dạy học đến khi vợ chết mới ở nhà để chăm sóc mẹ. Cậu con trai duy nhất của chú đang dạy học ở một thành phố lớn ở phía Nam.
Thằng Rái vốn cũng là một kẻ mê hò hát, nhưng đáng tội là chẳng biết hò hát gì cả. Trong nhà cũng chẳng ai hò hát gì: cha nó thì cái giọng thổ rè rè, chắc là ghét hò hát. Còn mẹ nó hò hay nhưng chỉ hò dỗ con lúc còn nhỏ, bây giờ con lớn thì chẳng khi nào nghe mẹ hò nữa. Nhưng những lời ca dao từ giọng hò của mẹ cứ dặt dìu suốt cuộc đời thằng Rái. Nhớ những đêm xưa, giữa giấc ngủ mơ màng, tiếng mẹ cất lên vỗ về em nó trong cơn khát sữa nghe mỏi mòn một nỗi buồn vời vợi như lời thở than của một cõi lòng vô vọng.
Đi với chú Phu, cảnh sông nước thì chẳng có chi là lạ đối với thằng Rái, nhưng ra khỏi khúc sông bến phơi lưới mà nó lẩn quẩn từ nhỏ đến giờ thì đây là lần đầu,và giờ này thằng Rái mới biết Trường Giang là dài rộng thế nào. Còn công việc, cũng có những lúc cật lực làm việc mà không có giờ nghỉ nhưng cái tuổi của nó lại vui và có phần lãng mạn với các bè gỗ vượt suối xuôi ghềnh, hay những lần ngược dòng dưới trăng khuya nghe câu hò mái đẩy cất lên cao vút giữa đêm ngàn khiến cho kẻ xa quê thấy chạnh lòng man mác…
Những lần cắm thuyền đợi bao ngày trên bến sông Ô Lâu. Những đêm dài nơi bến lạ ngồi buồn, chú Phu thường kể chuyện đời cho bọn thằng Rái nghe, chú kể lại thời trẻ của mình với câu hò điệu hát trai gái ngày đó thật vui: bờ ruộng, nương dâu, đêm trăng giã gạo, gái trai đối đáp thâu đêm. Ngày đó chú cũng chẳng biết hò, trốn vào Huế tìm trường để học. Sau này hò được là đi suốt đêm, nghe đâu có hò hát là đi liền. Có lần bỏ cả công việc, qua bên kia sông hò mấy ngày khiến ông cụ giận quá lôi về đánh cho một trận nhưng vẫn không chừa. Ông cụ đành phải bắt lấy vợ, nhưng lúc đó chú đã có tình yêu với một cô gái quê ngoài kia . Cô ta phụ cho người dì vụ gặt năm ấy. Cả hai đã yêu nhau qua câu hò tiếng hát và chú Phu xin khất lại ba tháng. Đùng hẹn cô gái trở vào, chú Phu liền nói rõ ý định cầu hôn, nhưng cô gái chỉ buồn buồn không nói. Hai người ở bên nhau mầy ngày rồi chia tay. Lúc sắp giã từ, cô gái nói: “ Chia tay nhau lần này là hết, bởi ba mẹ em đã gả em cho người ta và tháng này cưới. Hãy tha lỗi cho em!”
Nói xong cô gái bật khóc rồi bỏ chạy. Từ đó họ cách biệt nhau. Sau này còn nghe nói, cưới nhau được vài tháng thì cô gái lâm bạo bệnh mà chết.
Nghe đến đây thằng Rái cũng nhuốm buồn nỗi buồn của người kể chuyện. Và nó cũng tiếc cho thời đại của mình, chẳng còn cảnh trai gái hò hát với nhau nữa. Bỗng nhiên thằng Rái có một thắc mắc kỳ lạ, nó tự hỏi những đứa con của nó sau này có còn được nghe những giọng hò đưa nôi hay không?
Lúc Rái theo làm cho chú Phu thì một ngày công ba chục đồng, mười đồng đong được sáu lon gạo. Nhưng thằng Rái làm tháng nên được trả hai chục đồng. Đó là một công việc có tiền công quá mong ước của mọi người. Đi như thế này, nó mới hiểu được câu” mua tận gốc, bán tận ngọn“ là thế nào. Bây giờ thì nó đã biết rất nhiều và làm được rất nhiều việc. Sau này nếu chú Phu không thuê nó nữa thì nó cũng có thể kiếm việc để làm. Nó mang trong lòng ước mơ đổi nghề, đổi đời từ đó.
Nhưng tất cả mọi điều chẳng hề khiến nó bận tâm suy nghĩ, chỉ có chuyện tình bi thương, huyền hoặc của chú Phu làm nó tơ tưởng mà thôi. Chú kể tiếp: Ngày đó, sau khi vợ chú mất, chú còn rất trẻ, cũng xuôi thuyền dưới một đêm trăng thế này. Lúc đó gần nữa đêm, trăng sáng vằng vặc, bỗng từ thuyền phía trước một giọng hò cất lên: "Hò… ơ… ơ… Đường về ngày đó xa khơ…khơi, Cách sông… cách suối… cách chàng… chàng ơi!... Hò…ơ…ơ…Gặp chi một thuở trong đời …Để thương… để nhớ… để mình về đâu?... Hò … ơ… ơ … đêm nay trăng giải mối sầu… Sông dài trời rộng… khoang thuyền đơ…đơn… côi!"
Chú Phu không khỏi giật mình tự hỏi, tại sao có giọng hò giống người xưa như vậy, lại còn đúng tâm tình của mình là sao? Chú Phu bảo những người bạn chèo mạnh hơn, rồi hò đáp lại: "Hò… ơ… ơ… người đi bộ ấy xa xăm… Cách sông… cách núi… cách tình sao vơi? Chờ nhau mấy độ sao dời… Trông nhau chưa hết cuộc đời còn trông… Hỏi người có phải cố nhân… Gặp nhau có phải duyên trờ…trời… hay không?... Đêm nay xuôi ngược dòng sông… Cùng ai xin giải mối sầu… thuở nao!...". Nhưng sao chiếc thuyền nhỏ phía trước chỉ có một người con gái chèo sao nhẹ nhàng thế, mà thuyền chú ba tay chèo vẫn không sao đuổi kịp. Chèo thế nào thì hai thuyền cũng cách xa nhau một con sào, hai thuyền đâu xa nhau là mấy, chú đứng ở mũi thuyền nhìn cô gái trên lái thuyền trước. Cũng dáng dấp ấy, cũng giọng hò ấy, sau người không quay lại nhìn nhau một lần chứ hò để làm gì, nhắc lại chi những lời nói trước với nhau! Chú Phu chưa hết bồi hồi bởi ẩn ý trong những câu hò thì thuyền đến một ngã ba sông bàng bạc sương khói dưới trăng khuya và chú Phu cũng không còn thấy chiếc thuyền phía trước đâu nữa.
Nghe kể tới đó, bạn chú cũng là chị họ của cô gái kia nói: “Thật ra thì em tôi không phải vì bạo bệnh mà chết, mà sau đêm tân hôn, người chồng nói rằng em tôi không còn trong trắng, rồi từ đó dằn vặt, hành hạ từng ngày!”.
“Đồ bệnh hoạn!”. Chú Phu tức giận: “Chưa bao giờ tôi gặp người con gái nào đoan chính như cô ấy! Yêu nhau thế, nhưng không khi nào tôi cầm được bàn tay!”.
Bạn chú nói tiếp: “Thế rồi một hôm, người ta không thấy em tôi về nhà, liền túa ra tìm. Nhưng chẳng tìm gặp đâu cả. Họ chỉ thấy đôi dép em tôi để lại bên bờ sông. Sau này cũng có người nói, thoáng thấy em tôi trên một chuyến đò…”.
(Còn tiếp)

Cũng Muốn Kêu

Ai có gì đổi bán mua không?
Tiếng ai giữa chiều nghe dưng buồn lạ.
Ngẩn ngơ nhìn mớ đời đã cũ
Cũng muốn kêu, sao cứ dại ngây lòng.

Lặn Lội

LẶN LỘI

Đàn chim về núi ngủ rồi
Nắng chiều cũng tắt đỉnh đồi cao cao
Ai còn lặn lội bờ ao
Tay bèo, tay ốc… tay nào cũng không!
Một tay lặn lội cho chồng
Một tay lặn lội cho con ấm lòng
Những bèo, những ốc, những rong
Những…em lặn lội…quên lòng của em!
Ngẩng lên, đêm đã vào đêm
Đường về, bèo ốc… ướt mềm yêu thương!

Thằng Rái

Vừa ngoi lên từ đáy nước, thằng Rái đã vội leo lên chiếc thuyền chài với mảnh lưới vướng cành mục và cứ tồng ngồng như Chữ Đồng Tử nhào tới bên bếp để sưởi. Nó đang cóng!
Cái cảnh sông nước của cha con nó vẫn thế bởi quần áo chỉ độc một bộ,cần giữ khô để ngủ, nhất là giữa một đêm đông như thế này. Thằng Rái xuýt xoa: “ Đông này lạnh thật! Lạnh hơn đông trước “ . Lão Diếu ngồi bên bếp. Lão nhìn thằng Rái rồi thêm củi vào. Chẳng biết lão nghĩ gì khi nhìn con như thế. Tuy vậy cũng có lần lão nói: “ Thằng Rái cực quá mà lớn không nổi” . Quả thật trông thằng Rái có vẻ còi, nhỏ xác so với tuổi. Mặc dù vậy, thằng Rái cũng đã thay lão gánh vác việc nhà ba, bốn năm rồi chứ ít sao. Từ ngày nó 14, chị nó đã đi lấy chồng, nhà không còn ai. Thằng Lúi em nó, cũng chỉ phụ cho mấy sào. Còn mẹ nó ư?. Lão Diếu vẫn hay biếm vợ: “ Mụ ấy thì làm được gì? Vá cho đôi lỗ lưới rách là nhiều!”
Hai tay lão Diếu run lật bật lần túi tìm bâu(1) thuốc lá. Từ lúc lâm bạo bệnh, lão bị tật run tay như thế. Lão quấn một điếu rồi chìa cho thằng Rái: “Hút đi! Đỡ lạnh lắm!”. Thằng Rái đón điếu thuốc từ tay cha nó rồi rút que củi đang cháy ra mồi. Nó rít một hơi thật dài rồi nghệt cổ ra nhả khói cách điệu nghệ như một gã trai. Khói thuốc làm nó quên lạnh, nhưng cái cách và ánh mắt của lão Diếu vẫn xem nó như là đứa con nít khiến nó cứ bực mình: “Mình mà là con nít à?”. Nó nghĩ thế.
Sau khi nhìn bầu trời một lúc, lão Diếu nói:
- Đêm nay chắc không ngủ được rồi!
Thằng Rái đã mặc xong quần áo, đã cảm thấy bớt lạnh. Nó đang săm soi cời than và củi, nghe thế liền hỏi:
- Không ngủ thì làm chi?
Lão Diếu vui vẻ giải thích:
- Đêm nay chắc mưa to!
- Không mưa mà đã rét buốt thế rồi chưa đủ sao? thằng Rái càu nhàu - Còn mong gì nữa!
- Mưa thì nước về nhiều hơn, đục hơn. Nghề này chỉ nhờ có vậy!Lão Diếu giảng giải.
Cả hai chưa dứt lời thì đã nghe tiềng gió thổi mạnh trên mặt sông. Con thuyền đã được cắm sào nhưng nó cứ xoay liên tục theo chiều gió và thằng Rái nghe lộp bộp trên mui. Mưa bắt đầu rơi. Nó nghĩ thầm: “Lại một đêm rét buốt khổ cực nữa đây!”.
Gia đình thằng Rái vốn là dân vạn chài. Dân sống không nhà thác không mồ, trôi nổi trên các đầm phá, sông nước. Một cuộc vô định bốn phương. Thằng Rái chỉ ước mơ bình thường như bao người dân khác, có một mái nhà ở xóm làng, một miếng ruộng để cày và những đứa con đi đến trường. Đừng nói rằng người dân vạn chài có cuộc sống tự do tự tại sông nước thênh thang bốn mùa mát mẻ. Không, thằng Rái chỉ mong ước một cuộc sống thật của nó. Ước mong một đêm đông giá được cuộn mình trong mớ bao bố ngủ từ đầu hôm đến sáng mà không sợ nghe mẹ nói hết gạo! Còn những ý tưởng, nó không biết! Dù bây giờ gia đình thằng Rái đã có được một mái nhà nơi rẻo đất cha con thường phơi lưới ở ven sông, nhưng bao năm rồi người ta vẫn gọi là dân “ngụ cư”. Hai người chị của nó cũng lấy chồng vạn chài. Chị Kìm theo chồng sống tuốt trong Đầm Thừa Lưu nước ngọt; còn vợ chồng chị Mòi thì ở Vạn đò Gia Hội, chồng khuân vác và vợ bán mía khúc. Gia đình thằng Rái chẳng mấy dịp thăm họ. Nhưng mới đây có người từ hai nơi ấy về nói rằng: Chị Kìm đã bị chồng bỏ rơi theo người khác ; còn chị Mòi đói rách, nheo nhóc với tật bệnh thế mà chồng chẳng lo, được đồng nào đem chè chén sạch.
Tội nghiệp mẹ, thằng Rái đau lòng khi thấy mẹ kêu khóc: “Cái phận đàn bà, răng mà khổ rứa con ơi!”. Nghe thế lão Diếu lại đay: “Đồ đàn bà dư nước mắt!”. Nói xong ngoảnh mặt chổ khác, hai tay lại lật bật tìm bâu thuốc lá. Còn thằng Rái rủ thằng Khả ra gốc bàng trước đình ngồi hút thuốc. Nó nghĩ mọi sự cũng chỉ vì nghèo!
Sau một đêm vật lộn với gió mưa rét buốt, thằng Rái chỉ mong chóng về bến để chui vào mớ bao bố nơi cái võng tre dành riêng cho anh em nó. Rái không cần cả bữa cơm sáng nóng hổi mẹ nấu sẵn, nó cũng chẳng kịp nghe những lời khoe mẽ tài cán của lão Diếu, nó thèm ngủ. Cho đến khi gọi dậy buổi trưa, lúc ngoài trời vẫn còn lay bay những sợi mưa trong gió lạnh, mùi thức ăn sực nức do mẹ dọn ra nơi cái sạp khiến cơn đói đã bị nén xuống từ lâu giờ bỗng cồn cào bừng dậy làm cho thằng Rái không thể nào ngủ thêm được nữa. Vậy là nó bật dậy vung chân hất mớ bố rách sang bên, rồi nhảy qua sạp vớ ngay bát cơm ngấu nghiến một hơi liền mấy bát no bụng mới buông đũa ngồi xuống. Cách ăn uống của nó lại khiến lão Diếu chửi:
- Ăn uống cái chi lạ! Nếu được ra làng làm sao ngồi mâm với ta?
Thằng Rái thì nghĩ khác: Mình đói thì mình ăn, ăn sao mà chẳng được! Ăn miếng cơm mình làm ra thì có chi đâu mà xấu hổ? Ai muốn ra làng thì cứ sửa!
Sau bữa ăn, thằng Rái lấy phần thuốc đã chia cho mình bỏ vào túi rồi ra khỏi nhà. Trước đây lão Diếu chỉ chìa bâu cho quấn một điếu khi hút mà thôi. Nhưng điều đó không làm nó bận tâm. Cái mà thằng Rái luôn nghĩ đến là một cái bật lửa. Nó muốn có một cái bật lửa để trong túi như một người đàn ông thực thụ. Một người đàn ông không thể đi xin lửa, mà phải có lửa để cho người khác. Thằng Khả, bạn nó, cũng có bật lửa, nhưng cái đó đã cũ, bánh xe bật lửa đã mòn. Thằng Khả là bạn thân của nó từ nhỏ, dù Khả lớn hơn nó hai tuổi và nó chỉ tìm Khả để chơi trong khoảng thời gian được nghỉ từ đây đến chiều. Chúng gặp nhau thì cũng chỉ nói những chuyện tầm phào của những chàng trai mới lớn, hoặc có những đồng cảm như nhau và cả hai chẳng cần nói gì, chỉ nằm yên nơi bộ ngựa ở đầu hồi nhìn nỗi buồn rơi trên cành, sầu đông trụi lá bên ngoài cửa sổ. Thế nhưng bây giờ không thể tìm đến Khả chơi được nữa. Khả đã cưới vợ ba tháng nay. Không thể tìm Khả để chơi cũng buồn thật, nhưng điều khiến nó hối tiếc mãi trong lòng là nó không đến dự lễ cưới của bạn được. Khả đã mời và nhờ nó phụ rể. Khả đã nhắc nó đến mấy lần, nhưng làm sao nó đi được đây, áo quần đâu mà mặc? Từ nhỏ cho đến bây giờ, thằng Khả cũng như nó, chỉ được gia đình may cho bộ đồ ngắn bằng vải go. Loại vải cứng ngắc những hồ, có mùi ngai ngái và chỉ có hai màu đen hoặc đà. Vậy nhưng mỗi lần được may, chúng nó vẫn lấy làm vui sướng lắm, cứ chạy đến nhà bác thợ ngồi để rồi bị bác ta mắng mỏ. Ngay cả Khả chỉ đến ngày cưới vợ mới được may cho bộ đồ dài. Ngày đi hỏi vợ (và những lần đi làm rể) thằng Khả vẫn mượn áo quần người anh họ để mặc. (Còn tiếp)

(1) Cái bâu: loại túi có nhiều ngăn được may bằng bẹ chuối khô, dành để đựng sợi thuốc lá.

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2007

Mẹ Con

Từ trên cao đỉnh nỗi buồn
Trông theo dòng nước bỏ nguồn mà đau
Thuở vừa xé ruột cắt nhau
Không đau xé ruột mà đau lìa tình!
Cũng từ phút ấy lặng thinh
Xót xa con sẽ bỏ mình mà đi…
Bao giờ hiểu được hỡi con
Đong đưa cái khổ mãi còn đong đưa
Khi đi sớm lúc về trưa
Nhọc nhằn nào quản nắng mưa đêm dài
Cũng từ ngày một ngày hai
Cũng từ dạo ấy tương lai mơ hồng
Bên con từng phút phập phồng
Từng hơi con thở từng lòng thở theo
Từng đêm trăng muộn về treo
Từng âu lo cũng cheo leo bên đèn
Cuộc đời lội lội chen chen
Tìm cơm áo cũng đen đen hồng hồng
Khi đen, đen cả tấc lòng
Khi hồng, hồng cũng mơ hồng tương lai
Rồi từ đó, tháng năm dài
Thôi ngày chập chững, sánh vai cùng người
Mẹ xin con nửa nụ cười
Lẽ nào con lại khước từ sao con!
… Xót lòng, mẹ thấy héo hon
Bé oà khóc lỗi, mẹ oà khóc vui…!

Khoảng Trời - Khói Thơ

Vì em là chiếc bóng bay,
Trong tay anh nếu không có sợi dây sẽ vỡ.
Khi tình yêu thở vào hơi thở,
Lời thì thào nâng đôi cánh hư vô.

Và vì anh khoảng trời thơ
Trang giấy mỏng tờ mây không giữ được.
Vì, và vì ta từng đêm vẩy mực
Lên cuộc đời mưa sẽ vỡ bóng bay.

*
Chỉ có gió với anh trong căn phòng,
Cùng xoá bức tường màu trắng đục
Nâng niềm đau uống tủi cực cười xoà,
Bệnh nhân ư, cũng chẳng là thầy thuốc
Có ốm đâu để thăm mạch định toa.

Anh treo lên đầu giường,
Một trời ngâu thổn thức.
Cuốn thời gian làm ống tiếp quan hà.
Ôm mảnh giấy,
suốt đời đi tìm nơi chứng thực
Con chữ ngoằn ngoèo trên đường gạch tít xa.

Và dấu ấn hôm nào mở ngực,
Đóng lên đời, bật dậy tiếng: ừ, ta.

*
Rồi nghe,
Tình mớm môi, máu thịt tươm trào.
Ngấm dần tứ chi – linh giác,
Co rút cuộn mình, làm con trút
Ngã chúi vào sâu hút mênh mông.
Nút hận thắt vòng
Bủa giăng trận đồ mê hoặc.

Nỗi nhớ căng lều, giăng bạt
Ký ức thăm tìm lời sương khói tiễn đưa.

Chuỗi đời xâu hạt vàng thu.
Quàng lên ngày tháng – từ bi cõi người.

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2007

Nón Cời Của Mẹ

Ngày của Mẹ - Mother’s Day 2007
(13-05-2007)

Nón cời Mẹ gượng gió lay,
Bạc phơ tóc, nắng che, xoay bên nào ?
Bài thơ chiếc nón, hôm nao :
Tuổi xuân mộng mị, giờ hao dáng gầy !


Trăng ơi, từng khối trăng đầy,
Hững hờ đời Mẹ, tháng ngày buồn vui.
Ái ân cách biệt bùi ngùi,
Ngửa nghiêng lòng Mẹ, hắt hiu bên đời …


Thoắt vang sấm dội giữa trời,
Đào sâu huyệt mộ, Mẹ rời thế nhân .
Nón cời vật báu con nâng,
Tả tơi cõi mộng, khóc ân Mẹ hiền ….

Doraville, Georgia 30340


Mẹ sanh Bà Đặng thị Bé, Pháp danh Tâm Đắc mất ngày 05-03 Tân Tỵ (2001) 82 tuổi.
Mẹ dưỡng Bà Nguyễn thị Cảnh, Pháp danh Tâm Bảo mất ngày 27-12 Tân Tỵ … tuổi.
Nhị vị Thân mẫu qua đời
Lúc HoaNguyênSinh 60 tuổi
Những ngày giỗ nhớ Mẹ năm xưa.
Doraville – Georgia Hoa Kỳ.

Phố Núi Chiều Mưa

Nắng xế chiều hoang lòng viễn xứ
Hoa vàng mộng úa bóng người xưa
Đâu nắng, đâu hoa, đâu ngày cũ
Vàng chi lắm vậy Dã Quỳ ơi!

Hoài Niệm Bạn

Tưởng nhớ Lê Nhật Linh

Bạn bỏ ta đi dẫu biết rằng đó là lời chia tay báo trước. Vậy mà ta vẫn hy vọng một phép mầu níu giữ bạn ở lại cõi trần gian này vì mẹ già, em dại (dù những đứa em thân thiết đã qua đời sống hôn nhân – riêng bạn vẫn đi về một cõi), vì những thằng bạn đồng môn và vong niên, yên phận thủ thường với vợ con đề huề, bạn thì như mây trời phiêu hốt, đến rồi đi, hợp rồi tan như một hành trình thầm lặng bên kia núi, phía hoàng hôn.

Bao lâu rồi Linh ơi, mười năm có lẽ, ta gặp nhau như một sự tình cờ, rồi những tháng ngày tìm đến nhau trên những con ngựa sắt già cổ lỗ, vẫn cười ran sau cuộc rượu đêm khuya, đắc ý vì câu thơ hay, hả hê bởi ca từ đẹp.

Những đêm khuya sau mỗi ngày của mỗi đứa vất vả ngược xuôi bởi cơm áo đời thường, bạn cùng ta vòng vòng tìm một góc quán vừa ý để ngồi nghe Flamenco, để đắm mình trong cõi Trịnh và Mơ Suối Thiên Thai của Văn Cao – Một lon bia uống suốt hai giờ để ngắm nhìn nàng digan người Việt bập bùng trong tiếng trống ở Carmen! Ly rượu tràn sóng sánh rán ngồi nghe người ta hát nhạc Trịnh ở “Yesterday” mà chê không mang dấu Trịnh hồn Sơn.

Rồi đêm cao nguyên chở nhau trên chiếc Dream vượt mấy dốc mưa, yên vị bên ly vang Dalat ngồi nghe giọng khàn đục của Người Đàn Bà Hát trong “Cung Tơ Chiều” lòng thổn thức bởi lời thơ trong nhạc:
“Buồn như ly rượu đầy
Không có ai cùng cạn.
Buồn như ly rượu cạn
Không còn gì để say…”


Ta nhớ chiều hoàng hôn bên bờ hồ Xuân Hương, trong tĩnh lặng của chiều buông, bạn đứng để ta chụp những tấm hình trong giá lạnh chiều cao nguyên mà có ngờ đâu rằng đó là những hình ảnh ta nắm bắt, lưu giữ của một kiếp người như mây phiêu bồng trong cõi tạm.

Ta nhớ và ta biết giờ đây bạn không còn “Tưởng Chuyện Ngàn Sau” nữa.
“… Người về gối rét nằm đau
Nghe trên thước đất phai màu nhớ thương
Chiều nào mây vọng hồn chuông
Ngừng chân đôi kẻ trên đường mãi mê
Nghe tim ta lỗi câu thề
Nghìn thu xa vắng…” (Hồ Dzếnh)

Ta nhớ ta đã từng nghêu ngao ca từ trong Trầm Hương Ca (bạn thì không thích lắm) để bây giờ có thể ví bạn như là những cái Như trong bài hát:
“Như loài chim đau thương bật khóc, trên cây khô, cuối mùa đông.
Như cỏ hoang xanh trên từng luống, trên non cao một ngày bắt đầu.
Như đôi chim quyên trên bờ cát chiều, nước vô tình đã dâng đầy động tiên xưa.

Như cuồng lưu xoay quanh ghềnh đá, qua bao năm – vẫn hoài công
Xin phù sa nuôi linh hồn tím."

Ôi một linh hồn tím, tím như hoa lục bình vừa trôi vừa nở, tím như đêm khuya làm nền cho hoa quỳnh hiện diện giữa tịch nhiên.

“Vàng chi lắm dã quỳ ơi
Tím làm chi để cho đời thương đau.
Ba trăm năm nữa về sau
Ai người còn đứng bạc đầu khóc Linh…”