Thứ Năm, 9 tháng 10, 2008

Tự Tình

Bao năm rồi em
Từ thủa đàn chim tan tác trong khói lửa chiến tranh
Rời bỏ mái trường xưa,
Xa lìa mối tình thơ
mơ mộng …

Bao năm rồi em
Trong làng quê yên bình sau bom đạn
Chân bên nhau (mà tay chưa hề trong tay )
Bên bờ Vĩnh Định thân quen
Nhớ
Hoa dại , mùi rơm
với đường thơm hương trinh nữ

Từ thủa
Mỗi đứa một phương
Hai người đôi ngã
Đường bản mệnh trong bàn tay xòe mở
Chằng chịt hoài một định mệnh đau thương
Em đi đâu ?
Em về đâu ?...
Để một chiều nhạt nắng mùa xuân
Nhận thư em mà bàng hoàng nín lặng
Thôi hết rồi hoa với bướm lìa nhau…

Anh ở mãi nơi miền Nam xa ngái
Quẩn quanh hoài trong hiện tại
Lòng mơ về dĩ vãng thoáng qua mau
Tình xa rồi nên tình cũng đớn đau…

Đêm nay gió lạnh đầu đông
Trên cầu bước chậm
Bìm bịp kêu con nước đã ròng
Vẳng bên sông tiếng khắc khoải chờ mong
Lục bình trôi rưng rưng màu tím
Lục bình trôi, trôi mãi về đông…
Đêm nay , giáo án mở
Xen tiếng ầu ơ
Ru con đêm vắng
Và bên lề giáo án
Có bao giờ
em viết lẫn tên anh ?...

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2008

Chia Xa

Đò hờn bỏ mặc bến xưa
Em về bên ấy… ai đưa qua cầu?
Bến hờn thức trắng đêm thâu
Phải chăng đôi ngả… bởi cầu chia xa!

Cao Đẹp

Theo gót ai về trong nắng êm
Gió nâng tà áo đón sương mềm
Ta nâng mộng ước làm em mất
Chiếc áo học trò mới… của em!

Thuở ấy ta vui, tuổi ấy mà
Giờ từng sợi bạc từng xót xa:
“Sao không lồng kính vàng son ấy?”
Để giữ nghìn năm một sắc hoa.

Ai giữ nghìn năm được sắc hoa?
Nhưng ai cũng thấy xót xa mà
Riêng ta, cũng mất, nhưng màu sắc
Mãi giữ được hương… vẫn đậm đà.

Chợt Nghe Em Hát Dậy Cuồng Mộng Xưa

Ta cứ ngỡ đêm nay
không có vì sao nào mọc,
Trái đất cũng ngừng quay,
Và đường đêm chỉ một bóng đổ dài,
Đi thất thểu mà nghe trời đất rộng.
Sương rơi,
hồn thạch động,
Lạnh lùng một cánh dơi hoang.
Tiếng hát em từ cõi điêu tàn,
Nghe rờn rợn lên muôn ngàn nuối tiếc.
Lòng ta đang khánh kiệt,
cũng rạt rào cung thương.
Tiếng hát em từ cõi vô thường
Nghìn năm giấu chặt
cũng dậy cuồng mộng xưa!
Ta đã bao năm
Đi tìm Đất Hứa,
Đất Hứa thật xa vời
Tựa tiếng hát em…
Thương em bỏ biển lên rừng,
Mài gương soi bóng nỗi buồn nhân gian…

Sài Gòn – Tàn đông 1982

Ngậm Nhạc Nhả Thơ

Thương em trăng sáng vườn chè
Em tôi, hạ trắng trở về nhà xưa
Tặng em tình khúc chiều mưa
Tóc mai sợi ngắn sợi vừa trao nhau
Đưa tay hứng hạt mưa ngâu
Rừng xưa đã khép – nhuộm màu cố hương
Người đi trăm nhớ ngàn thương
Người về bỗng nhớ con đường me xanh
Cành hoa trắng, nắng long lanh
Ngày xưa Hoàng Thị đi quanh đợi chờ
Giấc mơ chỉ là giấc mơ
Trăng mờ bên suối, hồn thơ ngậm ngùi
Khúc thụy du, buồn tàn thu
Đêm tàn Bến Ngự - lời ru tạ từ
Diễm xưa, biển nhớ, tương tư
Chiều mưa biên giới, con đường cái quan
Đưa em tìm động hoa vàng
Lá thư, nghệ sĩ, tình nàng dư âm
Đêm đông – cát bụi – thì thầm
Trăng tàn hè phố, bâng khuâng cỏ hồng
Ru em từng ngón xuân nồng
Phượng yêu – yêu phượng, mưa hồng hư hao
Tâm yên từ một kiếp nào
Giờ đây em đã đi vào hồn anh
Tiễn em – Như cánh vạc bay…

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

Không Đề 2

Tôi muốn quay về cõi ngây thơ
Chưa thương, chưa nhớ, chưa đợi chờ.
Bởi sợ từng chiều hoang lạnh quá,
Nỗi cô đơn và những cách xa.

15. Jul 03
16.06 Quý Mùi

Thương Em Màu Tím


Em thích hoa màu tím,
Đậm đà tình nhớ nhung.
Tôi cùng Em thầm kín,
Yêu màu ấy vô cùng.

Chớ bảo màu tím buồn,
Nhiều khổ lụy mênh mang.
Tôi thì không! Yêu quá,
Suốt đời tìm, lang thang.

Có bao nhiêu hạt cát,
Xô dạt giữa vùng hoang.
Sa mạc đầy nắng gió,
Thấy được hoa tím loang!

Ơ kìa! Vùng sim tím,
Chơ vơ giữa đồi nương.
Sương trời hoa vẫn nở,
Lặn lội giữa vô thường.

Giữa chiều hoa tím rơi,
Hôn gió về muôn nơi.
Cành khô còn đợi đó,
Ta với ta giữa trời.

Cuối mùa Sim tím
14. July 03
15.06 Quý Mùi

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2008

Lục Bình

Chuông chiều lời nguyện tràn sông vắng
Phiêu bạt phận bèo trôi nở hoa.

Cứ Đợi Nhau Cùng

Tặng Thiết Như

Nghiêng tháng mười mà trút giọt thương đau,
Lay gió dậy gọi lưng chiều chia nắng.
Người về đứng chao đời bên dòng vắng
Vỗ bóng ra mà lượm mảnh xuân lòng.

Bãi mía vàng buông ngọn xám rưng rưng,
Chim bìm bịp khơi triều dâng bến lỡ.
Bằng lăng tím nghẹn chân cầu lệ ứa.
Nước ròng chưa mà nhắc chuyện cát bồi.

Đã dặn với bờ đừng phơi sóng anh ơi!
Khúc tình hận cuốn xanh hồn ngọn xoáy
Tình đã chết là thôi đời con gái
Sắm sửa duyên mà quang gánh tháng ngày.

Chiều nay về ngồi lại với xưa đây,
Buồn đan áo que mơ làm đũa ngọc
Gõ vào, gõ vào, gõ vào ký ức,
Tiếng lòng rơi vang vọng giọt ngâm tròn.

Sợi tóc chùng chới với níu cô đơn,
Giăng tràn mộng vai trần em bật khóc.
Tình chống gậy lần mò xô cửa ngực
Tim lỏng then thôi cứ đợi nhau cùng.

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2008

Tiếng Còi Trong Sương

Tiếng còi tàu hú trong sương
Như tha thiết gọi người thương trở về
Giật mình, đánh mất cơn mê
Thì ra thiên hạ bốn bề vẫn đông!

Hạt Cơm Ký Túc Xá

Thuở bé được mẹ thương
May cho quần áo mới
Cầm tay dắt đến trường
Giờ tan, trước cổng đợi.

Càng lớn mẹ càng thương
Thư rất đều, viết vội
Tiền quà gởi không nổi
Chỉ cho đủ tiền trường!

Mẹ tảo tần đĩa cá
Ba lặn lội bát cơm
Hạt cơm ký túc xá
Vừa ngọt lại vừa thơm.

Hạt cơm ký túc xá
Vừa ngọt lại vừa thơm
Thơm mùi da nắng cháy
Ngọt sữa mẹ chào đời.

Ngày nao xong đại học
Đón con về thành công
Chắc mẹ mừng mẹ khóc
Và con cũng… chạnh lòng!

Nhớ

Ta bỗng nhớ em như rừng nhớ gió,
Như con nai vàng nhớ bãi cỏ non,
Như con dế mèn ngóng đợi hoàng hôn,
Và ta nhớ những mùa trăng cũ.

Con chích choè còn tự hào có tổ,
Cớ sao ta sứ mãi lang thang,
Ngất ngưỡng say trên cuộc điêu tàn,
Cười nghiêng ngả trên dòng hoang phế!
Ta ngồi đấy nghĩ buồn Thượng Đế,
Bỏ ta một mình mòn mỏi đợi em.

Trăng thao thức đợi rừng đêm trở giấc,
Rừng lặng im như ngậm mối căn hờn.
Ta với rừng là hai kẻ cô đơn,
Không hẹn ước mà thành tri kỷ.

Rừng với ta là muôn điều kỳ bí,
Còn với em ta có vạn cổ sầu.
Em xa rồi mà ta có hay đâu,
Chợt thấy nhớ mới biết mình chia cách.

Rừng Mã Đà - 1982

Vẫn Còn

Ngựa hồng ta nát vó câu,
Đời còn ngây ngất giọt sầu rã riêng.
Trên dòng thác đổ triền miên,
Mùa thu vẫn có mây hiền hoà trôi;
Vẫn còn em đứng bên đời,
Vẫy tay cho gió lả lơi áo hồng.
Vẫn còn một khoảng trời trong,
Cho chim xây tổ, cho ong kết đàn.


Ta về khơi đống tro tàn,
Còn nghe hơi ấm trong than lửa gầy…

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2008

Lặn Lội

Đàn chim về núi ngủ rồi
Nắng chiều cũng tắt đỉnh đồi cao cao
Ai còn lặn lội bờ ao
Tay bèo, tay ốc… tay nào nữa không?
Một tay lặn lội cho chồng
Một tay lặn lội cho con ấm lòng.
Những bèo, những ốc, những rong
Những… em lặn lội, quên lòng của em!
Ngẩng lên, đêm đã vào đêm
Đường về, bèo ốc… ướt mềm yêu thương.

Nỗi Đau Của Mẹ

Thân phận báo từ đầu
Mẹ Việt lắm khổ đau
Nửa con về biển cả
Một nửa, phải rừng sâu!

Lòng Mẹ đã quặn đau
Phi Khanh phải nạn Tàu
Huyền Trân làm lễ cống…
Ôi, những đau và đau!

Lòng Mẹ càng đau hơn
Trong nội thù Trịnh, Nguyễn
Tình nồi đậu Qui Nhơn
Phải đun bằng củi đậu…

Mẹ phải đau đứt ruột
Lắm lần đứt làm đôi
Máu con tuôn thành suối
Cuốn cả xác con trôi…!

Nuốt đắng cay, âm thầm
Cắn răng mà chịu đựng
Lũ râu ria lông lá
Hằng thế kỷ hung dâm…

Ngày xưa Mẹ nhớ con
Sáng trông về biển cả
Chiều ngóng lại đầu non.

Ngày nay, Mẹ nhớ con
Biết đâu mà ngóng đợi?
Có đứa cũng đầu non
Đứa chân trời, góc bể
Và rất nhiều, vô kể
Những ly cách, héo hon…

Xưa, nỗi buồn Do Thái
Họ khóc Babilon
Nay, những người xa Mẹ
Có biết khóc gì không?

Cung Thương Ngày Cũ

Mười bảy tuổi đã nghe hồn biêng biếc,
Trôi lênh đênh cùng biển rộng sông dài;
Anh ngượng ngùng dạy em vũ Thiên Thai,
Mùa lưu diễn có em lòng chợt ấm.
Anh nhìn em, thương con chim én nhỏ,
Ngập ngừng rung đôi cánh mộng ngây thơ,
Đêm liên hoan tưng bừng muôn pháo nổ,
Về trường xưa anh mãi nhớ vu vơ…

Hai mươi tuổi lòng anh cơn bão nổi,
Tim rạt rào tìm kiếm những âm xưa.
Hồn anh rộng nên tình em mỏi cánh,
Một chiều đông, con chim én bay về.

Anh đón em trên miền chiêm bao thần thánh,
Suốt bốn mùa biên trấn thương ca.
Đây mê cung xin em cứ bước vào,
Rượu tình đó xin mời em uống cạn
(…)
Cho em say đắm đuối mắt thiên nga,
Cho em say quên trời rộng, trăng ngà,
Cho em chết một linh hồn nhỏ dại…

Anh thuở đó như dòng sông lưu lạc,
Mà thuyền em đầy ắp những màu trăng,
Anh phiêu bạt để thuyền em quạnh vắng,
Ngồi ôm con mòn mỏi nét phai tàn!
Em vẫn hát: “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội”
Lời ru ngọt ngào toả ấm nôi con,
Anh vẫn lang thang, hồn bạc màu sương khói,
Đời lãng du đành khép lại từ đây
(…)

Anh bây giờ co ro trong vỏ ốc,
Nhớ miên man trăng nước Ngũ Hành Sơn…
(…)

Bài này do con gái của tác giả là Lê Hoàng Thanh Thuỷ ghi lại theo trí nhớ với lời nhắn gửi: “Xin lỗi Ba, bài này rất dài, con không nhớ hết, còn thiếu sót nhiều câu”. Tác giả cũng thấy tiếc nhưng cảm thấy thế vẫn tạm đủ nên để vậy.

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2008

Vịnh Giữ Bò

Bởi vì việc nước chẳng toan lo,
Thánh thượng bắt sai tớ giữ bò.
Dẫn trước, dắt sau đôi nghé nhỏ,
Đi trưa, về sớm tấm thân to.
Ngày trời khuây khoả cùng cây cỏ,
Tối đến phất phơ chiếc quạt mo.
Nghĩ thế mà thương thân tớ nhỉ
Duyên chi bận bịu với đôi bò.

Đêm

Côn trùng lặng tiếng đêm man dại,
Trống vắng reo vang rợn hãi hùng!

Thiếu Nữ và Hoa


Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2008

Mưa Thu

Bây giờ trời đã vào Thu
Ngoài mình chắc cũng mây mù vây quanh?
Giá còn có được người “thân”
Mình về với họ xếp dần lá rơi…

Nghe gì trong lá lá ơi?
Nghe như lá có nói lời… chia xa!

Giọt buồn lành lạnh bay qua
Mới hay lá khóc, ngỡ là mưa Thu!

Nghe

Nghe người xuống biển tập bơi,
Cũng nín thở, ngậm môi sao đời cứ lặn.
Nghe em lên rừng tập trốn,
Cũng lặng tiếng, nấp mình sao bóng lại phơi ra.

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2008

Ngày Mai Em Đi Lấy Chồng

Ngày mai em đi lấy chồng,
Là thôi ngày tháng mặn nồng bên nhau.
Còn đâu mộng ấy ban đầu
Xem như mình đã qua cầu gió bay.

Ngày mai còn một hôm nay,
Nói chi cũng lỡ một đời rồi em.
Thì thôi còn chút duyên tình
Một thời để lại hãy đem cắt rời.
Bóng chiều này xẻ làm hai
Con đường một nửa, chỗ ngồi chia đôi.
Nụ hôn hương đã về trời
Thì còn đắng ngọt bờ môi, xin người.

Ngày mai tôi đi lấy tôi,
Dở dang một nửa kiệu đời yêu không.

Ngày mai em đi lấy chồng…

Huế Ơi

Lòng thương mến Huế tự bao giờ?
Mỗi tháng mưa buồn, mỗi ngẩn ngơ
Mỗi bận Thu sang, se lạnh nhớ…
Chút gì cho Huế, buổi ban sơ.

Tha Phương

Chẳng vì “cầu thực” cũng “tha phương”
Chẳng cắt lòng ra cũng “đoạn trường”…
Chốn cũ vẫn đây bao luyến nhớ,
Quê xưa còn đó những thân thương
Sáng ra đợi bạn cùng mưa nắng
Chiều xuống trông người với khói sương
Có nếm mùi đời mới hiểu được
Thế nào là khách “bỏ”… quê hương!

Để Ươm Tình Người

Em ngồi nhẩm tính thời gian
Chi cho cái én bàng hoàng cánh bay!
Ngại ngùng nói chuyện tháng ngày
Nói “xưa”, cũng lặp; nói “nay”, cũng thừa…
Vẫn là ngôn ngữ ngàn xưa
Lời nào mới lạ, phải “thưa” với “trình”?
Dẫu ngồi nói chuyện ân tình
Vẫn trăng gió ấy, vẫn “mình với ta”!
Nói gần, nói rộng, nói xa…
Những lăng nhăng ấy, những ba hoa đời.
Văn minh, bay vút tầng trời
Lòng nhân ái lại bỏ rơi… chết chìm!
Cùng anh, góp lại con tim
Kết thuyền vượt biển đi tìm người thương
Cùng anh nối lại con đường
Vòng quanh trái đất, để ươm tình người.

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2008

Về Mẹ

Mẹ còng lưng,
Gánh đàn con đi trăm đường tủi cực.
Nắng hanh nồng khô hạt muối yêu thương.

Chiều rồi, sao vắng ngọn gió nam,
Đâu bóng mát mẹ ngồi quanh đôi gánh
Rồi đêm đến mịt mùng rét lạnh
Chỗ mẹ nằm đâu than củi ngày đông?

Nói đi anh - em,
Những đứa con yêu của Mẹ Lạc Hồng.

Cuộc Tình Đã Mất

Anh đã đi qua,
Những con đường dọc ngang thị trấn.
Thấy hai hàng cây đứng thẫn thờ sưởi nắng
Bên lưng chiều se sắt gió chênh vênh.

Điếu thuốc trên môi cháy dở mấy lần,
Anh dừng lại lục tìm que diêm cuối
Từng ngón tay gặp nhau chới với
Ngày sắp tàn sương khói đầy dâng.

Có hẹn ai đâu, anh với một mình,
Quẩn quanh nỗi buồn sánh bước
Ngó trông ra cuộc tình đã mất
Thẫm sắc chàm nhuộm phía em xa…

Tìm Nhau

Men theo phấn bụi thời gian,
Tìm chiếc lá úa trên ngàn thu phong,
Lần trong từng cánh mây hồng,
Tìm màu mắt biếc nghìn trùng xa khơi.
Lần theo từng nẻo cuộc đời,
Tìm trong kỷ niệm bóng người thiên thu.
Tìm trong khói nhạt, sương mù,
Tóc thề buổi ấy bây chừ về đâu?

Tìm nhau tóc đã phai màu,
Biển xanh nay hoá cồn dâu mất rồi!!!

Khúc Thương Ca

Em mơ gì khi bờ vai vừa xoã tóc,
Đi vào đời như một cuộc viễn du;
Em ước gì khi hồn vừa thêu nắng,
Dang đôi tay đón ánh mặt trời?

Em ngày đó ngu ngơ: Con én nhỏ,
Như hạt sương mai e ấp trên cành.
Chợt hôm nao trời lên giông bão,
Em chơi vơi trong hạnh phúc ngậm ngùi!

Hạnh phúc nhỏ nhoi như hạt bụi,
Và mong manh hơn sợi tơ trời;
Hạnh phúc hiếm hoi như mưa tháng hạ,
Và đắng cay hơn mọi cay đắng trên đời!

Vì yêu anh em một đời lận đận,
Gạo cơm đâu để nuôi lớn nụ cười;
Vì yêu anh nên em thành cô phụ,
Để mỏi mòn chờ đợi… tháng ngày trôi!

Vì yêu anh em cam lòng chịu thiệt,
Còn đâu em đời dệt gấm thêu hoa!
Anh xấu số nên khiến em bất hạnh,
Đành trăm năm chung một khúc thương ca!

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2008

Nhận Diện

Đường không xa,
Dù non cao hay biển cả.
Tình không xa,
Dù rơm rạ hay lâu đài…
Khi đã nhận biết mình
Là ai.

Mơ Ước

Ngày xưa thường mơ ước
Mơ ước chẳng cao xa:
Ngoài vườn thật nhiều hoa
Trong nhà thật nhiều sách.

Ngày nay thì mơ ước
(Không biết có cao xa?)
Mỗi người, một cành hoa
Mỗi người, một cuốn sách.

Chia Sẻ

Em cũng như ta, thiếu rất nhiều
Nhưng đời còn đó chút thương yêu
Là bao hy vọng tiềm năng sống
Như lữ khách bên bếp lửa chiều…

Em cũng như ta, khát chút tình
Những lòng nhân ái, ánh bình minh
Niềm tin cuộc sống đang bừng sáng
Sưởi ấm lòng nhau, có chúng mình.

Em cũng như ta, như mọi người
Mong đời trải đẹp nụ cười tươi
Thì đây, đời đẹp, đời đem đến
Cho mỗi một ta một nụ cười.

Em cũng như ta, như mọi người
Trái tim hừng thắm sắc hồng tươi
Nhẹ tay chia sẻ và san sớt
Quà tặng cho nhau: nửa miệng cười.

Em cũng như ta, bước giữa đời
Dẫu rằng nắng đổ, dẫu mưa rơi
Dẫu cơm áo thiếu hay thừa thãi
Cũng khó rời nhau, đấy… em ơi!

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2008

Về Xưa

Ta về tìm lại ước mơ xưa,
Cảnh cũ, trường xưa, dáng vẫn xưa,
Vẫn cây phượng vĩ ngày xưa ấy.
Người xưa đâu mất? Hỡi trường xưa!

Nhớ Quê

Nhớ người cắt cỏ ven đê,
Nhớ con đường cũ đi về có nhau.
Nhớ nhè nhẹ, nhớ rất lâu.
Câu ca em hát ân sâu cội nguồn.

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2008

Nhớ Hoài

Thuở chúng mình
Từng củ khoai, trái bắp
Vẫn đầy ắp
Biết bao là tình!

Rồi chúng mình
Cũng có khi được
Những ly bia đầy ắp
Nhưng khó phai mờ
Những trái bắp, củ khoai…

Rồi Một Ngày

Ta về đây mang mang hồn viễn khách,
Đã mềm môi qua ngàn chén rượu cay;
Bỗng thấy đời chỉ là bọt biển,
Mắt miệng đã mù, sầu vẫn chất đầy!

Ta về đây làm con sông u uẩn,
Mà hồn ta đầy những rong rêu.
Bài hát cũ sao ta nghe xa lạ,
Tỉnh cơn say, đời ngã bóng chiều!

Ta về đây gọi tên mình để nhớ,
Và để quên, hết những ngày qua.
Còn gì đâu? Chỉ đôi bàn tay trắng,
Nhìn tương lai: Dòng nước cuốn mờ xa!

Tiễn Biệt

Theo tiễn một quãng đường rồi-thôi-hết,
Nẻo trần gian mờ mịt một bóng người.
Một nắm đất cho người nằm trong huyệt
Một đêm dài – khép lại – một ngày vơi…

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2008

Đèn Cao Áp và Trăng

Trăng và Đèn - Ảnh: Đặng Đức Cương

Cái đèn cao áp vô duyên
Vênh vênh váo váo che duyên chị Hằng.
Thôi rồi một tối đầy trăng !

2002 - Nhâm Ngọ

Hai ngàn Con Ngựa hí vang,
Hai Con Ngựa thắng kiệu vàng về dinh.
Mai vàng trong gió rung rinh ./.

Giao Mùa

Tàn đông rồi tới lập xuân
Thời gian cũ mới tần ngần giao nhau.
Ai hay rồi sẽ ra sao ?

Hoạ Năm Con Rắn - Tân Tỵ 2001

Cái đuôi Con Rắn ngo ngoe,
Nào ngờ Con Rắn nó khè nọc ra.
Rắn làm điên đảo gần xa !

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2008

Bên Bờ

Sông nước mãi cuốn trôi,
Sao ta vẫn đứng yên một chỗ!
Ta đứng đây biết đến bao giờ?
Ôi, chút mộng hải hồ,
Đành vùi trong chăn ấm,
Nằm co ro nghe tháng năm mòn;
Nước tiễn đưa bao xác lá vàng,
Thân ta nặng nên chìm sâu đáy vực…

Sông ơi! Lòng ta mơ ước,
Một ngày nào về với đại dương…

Hương Xưa

Người về tìm lại hương xưa,
Mưa giăng phố cũ, nắng thưa ngõ chiều.

Ta về phố chợ đìu hiu,
Dừng chân lá đổ, nghe chiều tan hoang.
Về nghe từng cánh thu vàng,
Nghe em dệt nỗi cơ hàn thâu đêm.
Ta về như máu về tim,
Như con suối nhỏ đi tìm nguồn xưa…

Ta về đập vỡ gương xưa,
Nghe chiều rưng rức, nghe thơ nghẹn ngào.
Mười năm: một giấc chiêm bao,
Dừng chân phố cũ nghe màu tóc sương!

Từ yêu mây nước bềnh bồng,
Ngày đi để lại bên sông nỗi buồn.
Thương em ngày đó mưa cuồng,
Xa em ngày đó mộng còn biếc xanh;
Bây giờ mây khói xây thành,
Yêu em ta ngắt một cành phù dung…

Úa Lá Thời Gian

Vụ cưới năm nay hẳn được mùa,
Đêm đầy tiếng nhạc đẹp đời chưa.
Ngày rộn pháo hồng e duyên thắm
Kho tình có cạn những chuyến xe?

Ngồi nghe ba vạn với sáu ngàn,
Dần vơi, chừ mới biết lo toan.
Thì nắng đã nghiêng về phía gió
Hắt vàng lên, úa lá thời gian.

Gặp Gỡ Lê Quý Long

Giao lưu tại Nhà Văn Hoá Thanh Niên Tp.HCM, 28.11.1999





Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2008

Nặng Nợ

Chút lòng chia bảy xẻ năm
Dăng sao khỏi hụt, hỡi tằm kém tơ!

Tạ Tội

Xin chân thành tạ tội
Tội bé nhỏ tầm tay
Và ngắn ngủi tháng ngày
Mà tâm tình vướng rộng!

Xin cúi đầu tạ tội
Trước hết với mẹ, cha
Với toàn thể ruột rà
Tôi (như) vô tình tệ bạc…

Thưa với đất vườn sau
Nơi ta đã gởi rốn
Nơi ta đã chôn nhau
Vẫn chưa về thăm được!

Thưa lối mòn ngõ trước
In đậm dấu học trò
Nổi trôi đời xuôi ngược
Thân phận của bèo, tro…!

Tội, chất chồng những tội
Vì ta, ai phải nhớ
Vì ta, ai đã thương…
Thôi, xin đừng nhớ, thôi thương.

Xin cúi đầu tạ tội
Thầy cô giáo kính thương
Dùng roi mà quở mắng
Để cả đời vương vương…

Với tầm tay bé nhỏ
Trả không nổi nợ đời
Tấm thân còn thiếu sót
Huống chi người, người ơi!

Với tháng ngày ngắn ngủi
Được Huế, mất Qui Nhơn
Gần Sài Gòn, phải xa Đà Lạt
Còn Cần Thơ, Phan Thiết, Nha Trang…?

Xin chấp tay tạ tội
Cùng bạn bè mến thân
Những vu vơ hờn dỗi
Dù cho chỉ một lần!

Xin nghiêng mình tạ tội
Với người lỡ yêu thương
Lỡ đưa nhau vào ký ức
Từ tạ nhau… nửa đường!

Bởi thương mà phải khổ
Bởi nhớ phải bâng khuâng
Phải chi là sỏi đá
Cho đời khỏi bận tâm.

Phải chi là sỏi đá
Để chẳng biết thương yêu
Và cũng không thù hận
Nhẹ, đẹp… biết bao nhiêu!

Ôi! Những gì lưu luyến
Rồi cũng quẳng lại sau
Ra đi là… giã biệt
Một “đáp số” như nhau!

Tuyển Thơ Lê Quý Long

VÀI NÉT TIỂU SỬ

Lê Quý Long sinh ngày 22 tháng 12 năm 1945 tại làng Vĩnh Phước, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, một địa danh đã được đi vào lòng người, qua hai câu liễn đối ở đình làng:

Vĩnh bảo long đầu sơn hiến thọ
Phước lưu phụng vĩ thuỷ dâng ba.


Hai câu đối ở bia lăng vị Tiền hiền:

Núi sông muôn thuở gan hùng vĩ
Công đức nghìn năm dạ sáng ngời.


(Hai câu đối ở đình làng đã khiến ông nội của anh phải thất bại khi lều chõng ra Huế tham dự thi Đình: phạm húy! Vì chính cụ là tác giả.)

Anh đã có thơ đăng khá sớm trên báo Phổ Thông và Thời Nay, khi hãy còn là học sinh đệ lục.

Chào đời bên gốc rạ và lớn lên trong chiến tranh, cha mất sớm... nên phải học trễ! Nhờ ba người anh giúp đỡ (nhà chỉ có bốn người con trai), nhất là người anh cả, tận sức chăm lo, anh mới xong được đại học, sau 7 năm “dan díu” với Văn khoa.

SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN

- Bộ Việt sử văn vần (Lịch sử diễn ca, Phúc Sinh, 1971)
- Cho cành buồn nẩy lộc (Thơ, An Tiêm, 1972)
- Như một người tình (Thơ, Lá Bối, 1974)
- Những bài ca nhân ái (Thơ, Văn Nghệ, 1990, NXB Trẻ tái bản 1999)
- Con đường hạnh phúc (Tham luận, in 1972)
- Tuyển thơ Lê Quý Long (NXB Trẻ, 2001)
- Vòng Tay MẸ (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2007)
- Ngõ vào vườn thơ (quy luật các thể thơ), sắp in.
Và nhiều tác phẩm khác, đang còn là bản thảo.


NHỮNG CẢM NHẬN VỀ THƠ LÊ QUÝ LONG
của NGUYỄN ĐỨC HUYNH – Tiến sĩ Văn chương.
(Trích trong “Tuyển thơ Lê Quý Long. NXB Trẻ. TP.HCM 2001)

Mỗi khi nhắc đến thơ Lê Quý Long, nhiều người có cảm nghĩ anh là một nhà thơ của Lục bát. Rất có lý. Nhưng không hẳn như thế!

Lý do thứ nhất

Vào những năm trước 1970, anh đã hoàn thành bộ Việt Sử văn vần (gồm 11 cuốn, lịch sử Việt Nam, theo đúng chương trình giáo khoa, diễn ca dưới thể thơ Lục bát, một thể thơ thuần túy của Việt Nam, cho phù hợp với tựa đề), đã được các bậc thầy có tầm cỡ lớn nhiệt tình ủng hộ, giới thiệu trên các báo chí, trực tiếp giới thiệu tại các giảng đường đại học... như:

- Nhà văn Bửu Kế, giáo sư Đại học Văn khoa Huế.
- Giáo sư Nguyễn Văn Xung, Chủ nhiệm Nhựt báo Gió Nam Sài Gòn.
- Ông Nguyễn Vỹ, Giám đốc Bán nguyệt san Phổ Thông.
- Giáo sư Phạm Việt Tuyền, Đại học Văn khoa Sài Gòn.
v.v…

Thêm vào đó, được sự giúp đỡ thường xuyên cả tinh thần lẫn vật chất, của các cụ Lê Thanh Cảnh (Thân sinh giáo sư Lê Thanh Minh Châu, Viện trưởng Viện đại học Huế) , Linh mục Nguyễn Văn Thích, giáo sư Đại học Văn khoa Huế và cả cụ Mai Thọ Truyền, Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa giáo dục... để rồi năm 1971, bộ sách ấy chính thức được phép xuất bản với số lượng lớn và phát hành rộng rãi... đến tận học đường.

Khi bộ sách hãy còn là bản thảo, giáo sư Bửu Kế đã biên thư cho ông Giám đốc Nhà xuất bản Khai Trí tại Sài Gòn, có đoạn nhận xét: "'mấy cuốn sách của ông Long, lời văn lưu loát, bình dị, dễ hiểu... lại chứa đựng nhiều thi vị”.

Thầy Hoàng Văn Ngũ, chuyên trách ngành giáo dục lại thêm:
"Lê Quý Long là nhà thơ trẻ, có tài. Tương lai còn nhiều hứa hẹn... "

Sau 1975, với chất "lịch sử", chúng tôi e ngại... có thể bị "trái mùa”! Nhưng không, giáo sư tiến sĩ Phạm Hồng Việt, Chủ nhiệm khoa Lịch sử của trường Đại học Sư phạm Huế lại tìm đọc được (có lẽ qua thư viện) và gợi ý cho sinh viên dựa vào đó... làm luận án tốt nghiệp, trong những năm 80.

Lý do thứ nhì

Những năm trước 1990, các bậc phụ huynh, những nhà giáo dục cũng như trên các báo chí, đều tỏ ra rất lo sợ cho lớp trẻ "trên đà xuống dốc trầm trọng về đạo đức", Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM đã cho ra đời đúng lúc tập thơ MẤY BÀI CA NHÂN ÁI của anh. Tiếp sau là nhà xuất bản Trẻ cho in lại, năm 1999. Nhà Văn hóa Thanh Niên TP. HCM tổ chức giao lưu, mời anh gặp gỡ bạn đọc, để giới thiệu tập thơ này, vào ngày 28 tháng 11 năm 1999, tại số 4 Phạm Ngọc Thạch. Đây cũng là tập thơ chỉ thuần túy mỗi một thể loại Lục bát. Theo anh, thêm một nhắn nhủ về "tinh thần dân tộc “Thơ Lục bát là của riêng Việt Nam".

Nhưng, nếu bạn đã đọc CHO CÀNH BUỎN NẨY LỘC (Thơ, An Tiêm, 1972) , NHƯ MỘT NGUỜI TÌNH (Thơ, Lá Bối, 1974) sẽ thấy thơ anh cũng đủ các thể loại, cũng có khá nhiều thơ mới, thơ tự do... Và nếu đọc THOÁNG XƯA, bạn lại thấy như anh chỉ chuyên về Đường luật! Cái đa dạng trong thơ anh đã hiển nhiên, không phải là điều chúng ta muốn bàn đến, mà muốn tìm hiểu thử cái đa dạng trong tư tưởng, trong ý thơ, trong hồn thơ... của anh như thế nào.

Giáo sư Lê Văn Phi đưa ra nhận xét trong buổi tọa đàm cùng các bạn học cũ: "Lê Quý Long đã thành công trong thể thơ Lục bát. Anh sáng tác rất dễ dàng, lời thơ tự nhiên, nhẹ nhàng, ý thơ mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha... lắm khi cũng rất độc đáo nữa là khác!"


Thay cho kết luận, chúng tôi xin mượn câu nói thật chí lý của nhà thơ (Lê Quý Long) đã phát biểu trong buổi giao lưu các bạn đọc, do Nhà Văn Hoá Thanh Niên TP.HCM tổ chức ngày 28.11.1999 tại số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q1, TP.HCM: “Lời nói, không đủ sức để nói nhiều, không đủ khả năng để diễn đạt! Chỉ có thơ, thơ mới đủ sức nói nhiều và thơ mới có đủ khả năng để diễn đạt”.

Vậy, xin nhường lời để thơ Lê Quý Long tiếp tục tâm sự với các bạn.

TP.HCM, 20-01-2001
NGUYỄN ĐỨC HUYNH

Thì Có Nghĩa Gì

Khi hương phấn về khuya, hững hờ ong bướm,
Chuyện rủi may không còn lỗi ở mình.
Đốt mớ giấy tiền hối lộ cõi cao xanh,
Đời làm quỷ ma cợt cười thần thánh!

Khói hương kia – em bước qua bình thản,
Như bước qua định mệnh kiếp người.
Mắt nhắm hờ, miệng mấp máy bờ môi
Em cầu xin gì, con tim rữa nát?

Những thượng đế ban ơn đã say nồng giấc lạc,
Những con cừu non tế lễ đã cỗi già.
Thì có nghĩa gì chút mọn hương hoa
Khi của ngàn vàng đem ra thế chấp…

Tình Hoa Bướm Vàng

Hơn nửa đời xao xác gió,
Lá ngập mấy tầng dưới chân đi.
Hơn nửa đời mưa lặng lẽ.
Nước tràn dâng ngập lối bước về.

Hơn nửa đời ngồi nhóm lửa,
Củi than yêu thương, ngọn khói hẹn hò.
Hơn nửa đời qua mấy độ,
Chiếc bóng nghiêng nằm mộng bãi nắng xa.

Hơn nửa đời em với ta,
Là hơn nửa cuộc tình hoa bướm vàng.

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2008

Ra Đi

Ta như một vệt khói buồn,
Sợi len trong nắng, sợi luồn trong mưa.
Đêm qua nghe gió chuyển mùa,
Đàn lên Tư Mã, đàn mờ Văn Quân.
Ta yêu ta – Tình lặng câm,
Ra đi trong tiếng đàn trầm trầm rơi.
Ta đi nắng xế ngậm ngùi,
Nhớ trời hoa gấm, nhớ đời ca xang.
Ta đi cơn mộng vừa tàn,
Thương em sầu đợi bên hoàng hôn phai !

.

Hun Hút Đường Trần

Lê Sơn Thạch và hiền thê

Đời em thuyền nhẹ mong manh quá,
Ta chỉ là tên thuỷ thủ bất tài;
Ta cũng cố đưa em về bến đỗ,
Em ngại ngùng mặc năm tháng nổi trôi.
Ta cũng muốn dìu em qua muôn trùng sóng vỗ,
Đưa em xa vùng gió cát điêu linh,
Đưa em về miền trăng nước yên bình,
Sao em vẫn sợ đời cơn biển động!

Em có biết, từ sự chết đã ươm mầm sự sống,
Và tình yêu mọc từ nỗi cô đơn;
Có tình yêu nào không nước mắt tủi hờn,
Có vinh quang nào không xây bằng máu?!

Chiếc lá lung linh, ơi người tình bé nhỏ,
Giọt thương yêu rụng từng cánh ngập ngừng :
Ngày lê thê và đường dài hun hút,
Ta một mình đếm bước tha hương!

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2008

Thanh Thoát

Ảnh: Cao Tường - www.dunglac.org


Đem nhau lên đỉnh non ngàn,
Dìu nhau đến tận hồng hoang đất trời.
Xem gì ? Một cõi chơi vơi ./.

Mẹ Con Nhà Mèo

Mèo con bú sữa thoả thuê.
Mẹ mèo ôm ấp vỗ về mèo con.
Tình này có phải vô hồn ?
.

WTC 11.09.01

Tháp đôi sừng sững giữa trời,
Phút chốc nghiêng ngã rã rời tan hoang.
Phù vân một vệt bàng hoàng ./.
.

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2008

Chân Dung Tím


Mùa Xuân Không Trở Lại

Rồi từ đó mùa xuân không trở lại,
Ta mất em là mất cả quê hương;
Như hòn cuội lăn khắp vạn nẻo đường,
Bao năm tháng ta là tên du mục.

Cánh mai vàng nở hoài trong ký ức,
Mà mùa đông thì cứ mãi lê thê;
Rượu giang hồ đã bao lần say khướt,
Trời bao la sao chim én không về?

Ta từng có bạn bè đăm bảy đứa,
Từng bao phen tuý ngoạ sa trường*
Đêm giao thừa nghe tiếng vạc kêu sương,
Lòng rạo rực nghe mùa xuân chậm bước.

Rồi từ đó theo dòng sông lưu lạc,
Đi lang thang nghe biển gọi ta về;
Để đêm đêm nghe tiếng sóng vỗ bờ,
Ta chợt thấy tình yêu như bọt biển!

Em ra đi, mang mùa xuân đi mất,
Ta còn đây chiếc lá úa ven đường,
Ta còn đây một hạt bụi vô thường,
Bay vất vưởng giữa đời hiu hắt!

Rồi từ đó theo đàn chim biệt xứ,
Ta mãi bay vào tháng năm mù sương;
Ta lắng nghe từng mùa đi rất lạ,
Mà trong ta sao chẳng thấy mùa xuân!!!

* Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu. (thơ Lương Châu Từ)

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2008

Nói Với Tháng Giêng

Loay hoay cái Tết qua rồi
Buồn hay vui nỏ biết
Chỉ có điều tháng ngày đi nhanh quá
Thoáng đã ba sáu lần với thế gian
Thằng ta vẫn vật vờ như chiếc bóng
Hai vai nợ nần chồng chất
Quang gánh lắm nỗi nhọc nhằn.

Đêm nay quán về,
Con đường phảng phất hương xuân.
Cọc cạch riêng mình gã nghe đời bâng khuâng
Bạn bè dần xa, mỗi thằng lo chạy áo cơm một hướng
Gặp đó mà như không.
Cái thuở ngọt ngào đêm trắng mắt
Chén trà, điếu thuốc, nằm gác chân nhau mà ngâm điệu thu sầu.
Qua đi – qua đi gió mây biền biệt
Biết trách ai khi trong ta dường cũng ơ hờ.

Quẩn quanh với góc sân – xó bếp
Chút tri thức đem xào xáo tháng ngày.
Bằng lòng với hiện tại e đã an bài
Một ngày an lành, một đêm đằm thắm
Với lo toan mưa nắng hai mùa.
Tự bao giờ đời gã nông dân
Trông trời thắc thỏm.

Trường đời chưa lần tham chính đã vội hưu non.
Bao nhiêu ước mơ nhạt nhòa sương khói
Tìm quên trong tiếng hát dại khờ.
… “Ta bây giờ bé dại cũng như em, đầy âu lo mười sáu…”
Thơ lâu rồi ám khói, mãi lo bếp núc cháo chó – rau heo
Khuôn mặt lọ lem tựa thằng hề nào dám soi gương.
Ừ, thuở nào lăm le kẻ sĩ,
Chừ hết gạo chạy rong.

Đầu năm trời Xuyên Mộc làm mưa, ngày tai tái rét.
Lạnh như buổi nào nàng bỏ ta đi
Để chàng thơ ngồi ôm chân quán cóc
Tuổi hai mươi giờ cũng lâu rồi.
Chợt buồn níu áo – giằng vai đòi lục bát
Trang giấy vẫn trắng như không dù đổ ngàn giọt mực
Hỡi Nàng Thơ, ta khánh kiệt thế à?

Thì thôi mặc kệ
Giàu nứt đố - nghèo rớt mồng tơi lắm lần cũng đã.
May mà chưa xiêu đổ sầu thành
Hơn nửa đời dằn xóc
Hoa cứ đẹp và người cứ xinh,
Ta hai lần bồi lở, con sông kia ra biển lại quay về.

Tạ ơn đời, còn có một dòng xanh,
Dù đôi khi đỏ quạch, ầm ào vực xoáy
Thì cũng phù sa nuôi mình khôn lớn
Biết yêu người và để yêu em.

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2008

Mừng Xuân Mậu Tý


Tết Tiên 1

(Chúc Tết)

Năm nay mừng tết chốn thiên đình
Xin gởi lời thăm các đệ huynh
Dẫu cách non cao, đây trọn nghĩa
Dù xa dặm thẳm, đấy chung tình
Bên đời bầu bạn câu “tâm phúc”
Trong đạo vở chồng chữ “tiết trinh”
Tết đến, trần gian muôn nguyện chúc
Chúc tài, chúc đức, chúc thăng vinh…

Ngày Xuân

Dù khá dù không cũng gọi là
Năm cùng tháng hết với người ta
Hương đèn niệm nghĩa, trông nghi ngút
Bánh thịt dâng tình, nghĩa xót xa
Quả đất giáp vòng, thương vũ trụ
Con người về cội, nhớ ông bà
Dẫu rằng quê cũ hay xa xứ
Rộn rã lòng người cũng nở hoa.

Mùa Xuân Nơi Đâu

Vài con chim ủ rũ,
Run rẩy trên cành khô ;
Chim nhìn nhau thầm hỏi
Mùa xuân chừ nơi mô?

Một con ong lìa tổ,
Mải miết bay tìm hoa.
Đầy trời bông tuyết trắng
Mùa xuân ôi mờ xa!

Hàng thông già lặng lẽ,
Soi bóng giữa trời sương;
Đợi gió về lay nhẹ,
Ngân dài mấy cung thương.

Mưa rơi, mưa cứ rơi,
Cho đời không chút nắng;
Mùa xuân còn xa vắng
Biết chờ ai, đợi ai?

Người đi, còn đi mãi,
Đường trần ôi quá xa,
Dừng chân chiều xuân tái,
Biết nơi đâu quê nhà?!

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2008

Làm Thơ

Làm chi thơ thẩn cả đời,
Quay ra quẩn lại chẳng rời được thơ.
Lẽ nào mà lại ơ hờ ?


Quê Mùa

Chân trần nón lá loay hoay,
Tay lem lấm đất, mặt mày dơ dơ.
Quê mùa có một chút thơ ./.

Thức Khuya

Thức đêm mới biết đêm dài.
Sống lâu mới biết cuộc đời ngắn thôi.
Bình minh thấp thoáng chân trời ./.

Đi Đâu, Về Đâu?

Đi đâu trên đoạn đường này.
Về đâu cuối nẻo trời tây u huyền ?
Bàn tay ai nắm trong đêm ./.

Luẩn Quẩn

Con cà đi với con kê,
Đi quanh đi quẩn chẳng hề đến nơi.
Đầu đường, chiếc lá vàng rơi ./.

Nuôi Xuân

Tìm về dĩ vãng đôi bờ
Người bên kia bến, hững hờ nước trôi
Người bên đây, thả mây trời…
Hai con Én mãi tìm mồi nuôi Xuân!

Vết Cũ

Tìm về vết cũ của thời gian
Của mấy mươi năm mãi bẽ bàng
Trở gót phiêu lưu, lòng Hạ khuất
Dừng chân hồ hải, tuổi xuân sang!
Tương lai thấp thoáng như hờn tủi
Dĩ vãng chập chờn tựa thở than…
Hỡi bạn cố tri cùng thử hỏi
Có ai xếp gọn khối tơ vàng?

Chiều Nắng Cuối Năm

Nắng chiều buồn lắm em ơi
Vườn hoang đâu dám nhận lời nhắm thăm
Ngồi nhìn tay trắng cuối năm
Chua cay riêng uống oái ăm cuộc đời!

Cánh chim nhỏ bay ngàn khơi
Có mang giúp hộ lên trời niềm riêng?

Có ta cũng chẳng ích gì
Không ta cũng chẳng hại chi gian trần.

Hỡi người bạn, gọi là thân
Giùm ta tính thử mấy lần thương đau.

Tĩnh Lặng

Mùa không một chút gió,
Đêm đầy ánh trăng ngà.
Ngàn cây trút hết lá,
Người còn lại thịt da.

Bờ cát dài ôm mộng,
Biển lắng lòng nằm nghe.
Nhẩn nha vài con sóng
Chở tình đi chưa về…

Triết Lý Của Đời

Biết ai ăn mày của ai,
Kẻ đứng khom lưng – người ngồi ưỡn bụng.

Chỉ qua ánh mắt cười,
Đời thấy ra kẻ cho – người nhận

Phải sống làm sao để không ân hận
Suốt một đời không làm kẻ nhận của người cho.

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2008

Đêm Sương Hạc Trắng Qua Sông Một Mình


Em xưa xinh hạt mưa Ngâu,
Về tim tím lối me sầu ngại bay.
Cánh vàng mùa gió hương đầy,
Qua sông bóng ngã, trăm ngày lênh đênh.

Em về tóc xoã sông Linh,
Bầy chim én nhỏ đan thành mộng mơ,
Đêm sao mưa gió ơ hờ,
Chiêm bao sóng vỗ, con đò mộng du!

Huy hoàng xưa - cõi sương mù,
Mưa rưng rức nhớ vàng thu, ngô đồng;
Hắt hiu dấu tích ngựa hồng,
Đêm sương hạc trắng qua sông ngậm ngùi!

Phồn hoa từ dấu phận người,
Rừng thương lại nhớ gió rời nhân gian,
Phấn hương xưa cũng phai tàn,
Còn đây một cánh chim ngàn bơ vơ.

Thương thương mắt ủ trang thơ,
Đàn rung tiếc nhớ đôi bờ cỏ hoa,
Thương em nghiêng nón, trăng tà,
Trăm năm ôi mộng chỉ là mộng thôi!

Dấu Chân Chim

Em đến tự thuở nào,
Cho đời xanh xanh lá,
Cho mùa xuân vào hạ,
Xanh một vùng chiêm bao.

Em đến tự thuở nào,
Cây cỏ bỗng xôn xao,
Nhìn bay bay tà áo,
Sao ta bỗng nghẹn ngào.

Ta nghe cơn buốt lạnh,
Trong tim mình lắng sâu,
Ta còn gì nữa đâu,
Sòng đời vừa thua trắng.

Em đến rồi em đi,
Cơn mưa chiều mùa hạ,
Ta buồn buồn, nhớ nhớ,
Thương hoài bước chim di…

Đoản Khúc

Cứ để những dòng thơ vụng dại
Nằm yên trong trang cũ cuộc tình.
Em bây giờ oằn nặng vai sương
Ta xạc cẳng nhục vinh cơm áo.

Hãy xem như chưa lần giông bão
Chưa một lần, như chưa đã yêu nhau.

Phiêu Du

Kẻ mặc mái chèo,
Người xuôi sào chống
Con thuyền dập dồn ngọn sóng
Quên lối quay về.

Khi mặt trời lặn đi,
Còn lại đêm dài tĩnh lặng
Cùng xếp chống chèo
Gối tay nhau nằm mơ dưới trời sao sáng.

Đời nhẹ như mây.
Phiêu du qua tận bến bờ… quên lãng…

Hạnh Phúc

Được may hạnh phúc làm người
Cớ sao lại khóc thay cười, hỡi con!
Từng hơi, xương thịt hao mòn
Giờ đây mẹ lại chia con nửa phần.
Từng hơi, phiến tế chia phân
Từng hơi: con, mẹ… cũng dần ra đi.
Con ơi, chưa dễ hiểu gì
Khổ đau chưa nếm, hiểu gì khổ đau!
Là người: có trước còn sau
Hiểu chi nghĩa “mất” cho đau đớn lòng
Đau vì lắm ước nhiều mong
Đau vì ray rứt tấc lòng chưa yên.
Cảm thông để xoá ưu phiền
Để mang hạnh phúc về miền thương đau
Mỉm cười, quà tặng cho nhau
Nén hương đừng hứa mai sau, tủi hờn!
Tình người tha thiết van lơn
Càng cho càng thấy đầy hơn buổi đầu.
Từ rừng thẳm đến bể sâu
Ai đơn sơ thấy “khổ đau ngút ngàn”?
Không, không. Hạnh phúc ngập tràn
Cảm chi đau khổ cho lòng khổ đau!
Nhẹ nhàng, trang trọng… cùng nhau
Đón chào, niềm nở “khổ đau” lúc vào.
Lạnh lùng nỗi khổ lãng xa
Chít chiu hạnh phúc cùng ta trọn đời…
“À… ơi…!”, giấc ngủ trong nôi
Mẹ, con… đã thấy “cái tôi” là gì
“Cái tôi” là cái ra đi:
Một tinh trùng nhỏ, một thì xương khô
Chén tro hoả táng thay mồ…
Không ngừng biến dạng cơ đồ “cái tôi”
Đừng tìm hạnh phúc xa xôi
Sơ sinh đã có vành nôi làm người
Nhìn con mẹ có nụ cười
Nhìn ta, ta có người người bên ta
Tình thương: con cái, mẹ cha…
Tình thân: có bạn thiết tha, sum vầy.
Khôn ngoan: nặng gánh công thầy
Ấm no: nặng gánh đó đây công người.
Địa cầu viễn ảnh màu tươi
Trước sau đã có con người trước sau
Hướng nhìn con một, nhìn nhau,
Nhìn sao cho khỏi thương đau trong nhìn
Con người trọn vẹn niềm tin:
Yêu thương, hạnh phúc, hoà bình, tự do!

Chim Non

Chim non có tội gì đâu
Em phá chiếc tổ cho rầu thân chim
Véo von mẹ cất tiếng tìm
Từng cành mỏi cánh… biệt tin con rồi!
Nào hay con đã làm mồi
Cho đàn kiến dại sục sôi chia phần
Nỉ non vọng tiếng phân trần:
“Con ơi, con hỡi… mẹ cần có con!”
Tội gì? mà phạt chim non
Mà treo chim mẹ héo hon… đầu cành!

Mát Lòng

Bé mang “ca” nước ra đường
Trao người gánh nặng ngồi nương bóng nhà
Trưa hè nắng đốt sao sa
Khách lòng cảm động ôm “ca” quên dùng
Cho người cảm giác cả vùng
Trời như mát lại lạ lùng giữa trưa…
Khen em nói mấy cho vừa.

Trâu Và Ta

Bây giờ ta đã xa trâu
Cái cơm áo xúi bạc đầu trên ta!
Thời gian biền biệt trâu xa
Nhưng tình nghĩa vẫn mặn mà với nhau
Với ta chỉ một, trước sau
Những ngày gắn bó ta đau… trâu buồn
Những chiều gió bấc mưa phùn
Trâu đau … ta cũng buồn buồn với trâu!
Những giờ buốt lạnh đêm thâ
Ta cùng hơi ấm với trâu… nương lòng
Ta xua con muỗi, đuổi con mòng
Ta cùng trâu tắm chung dòng sông xanh
Gió vờn nội cỏ trong lành
Ta nghêu ngao hát… dỗ dành trâu ăn…
Đường về “Ngưu giá”, xe lăn
Rước ta lẫm liệt… rèm giăng sương vàng!
Biết bao cay đắng gian nan
Ta cùng trâu phải bẽ bàng, xót xa…
Kéo cày trâu cũng cùng ta
Nghỉ ngơi ta cũng cùng trâu nghỉ gần…
Thế rồi, hoàn cảnh, chia phân
Ra đi ta cũng ngại ngần xa trâu!
Đời ta dong ruổi, dãi dầu
Gót ta lưu lạc… hằn sâu vết đời!
Còn trâu, trâu chỉ một nơi
Âm thầm chung thuỷ đến hơi cuối cùng!
Giờ đây ôn thuở sống chung
Không ngờ trâu bỏ mỗi mình ta đây!

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2008

Đôi Lời Giã Biệt...

Đôi lời cho giã biệt và tưởng nhớ Linh.

Giữa bao bề bộn của cõi người, giữa những mảng vỡ vụn của ký ức, câu say và tỉnh, trong cái hư ảo nhân gian, tôi chợt nhớ tới người. Gã hàn sĩ ấy bất chợt tôi quen, lãng đãng phiêu du trong đắng chát cõi trần.
Một vài lần gặp,đôi ly cà phê lem luốc bụi đời, thế là nhập cuộc…
Để rồi xa ,xa mãi thiên thu…

Biết ly tan thế muôn đời,
Biết thương nhau lắm môi cười nên đau.
Về đâu tìm lại trong nhau
Dìu câu hát cũ bạc đầu nhân gian?

Ta lãng đãng cùng người một đời lãng đãng: "tài hoa mệnh bạc".

TỰ TRÀO

Thân trai bó buộc vòng cơm áo
Mỹ nhân vướng víu mãi hư đời.
Thét to một tiếng năm châu náo,
Thở mạnh cuồng phong bốn bể đời.

Giang sơn một gánh xem chừng nhẹ
Chí gánh càn khôn chí chẳng mờ
Dốc bầu khà lớn cười nhân thế
Đầu gối non cao mộng hải hồ.

LỜI RU CHO NGƯỜI

Chợt về lạc giữa thinh không
Chợt bơ vơ lắm mênh mông cõi người
Góp đời làm một cuộc chơi
Mà sao dang dở à ơi… đã về
Lời ru mẹ lạc chốn quê
Chân hương lạnh lạnh đau tê giọt buồn
Mưa đau tạt ướt mảnh hồn
Đèn khuya hắt bóng đầu non gọi người.

VIẾNG LINH

Tìm Linh đâu giữa bây giờ ?
Cùng nhau chơi một
Ván cờ trần gian!

Đà Lạt




Thứ Hai, 14 tháng 1, 2008

Năm Ấy Về Ngoại (2)

Hôm sau, Chí không theo mẹ đi thăm người thân, mà theo o Thoa đi xem hội đấu vật, đánh đu… Chí thay bộ quần áo khác rồi theo o Thoa ra con đường cái xuyên qua cánh đồng, qua các xã, để đến chỗ mở hội. Hôm nay người đi rất đông, họ kêu nhau cười đùa chọc ghẹo nhau huyên náo cả con đường, và cũng vì vậy mà mọi người đi rất nhanh qua đến xã bên đa nghe tiếng trống từ nơi hội diễn. Nhưng khi gần đến chỗ quẹo vào làng hội, nơi có cái quán dựa dưới bóng cây ngô đồng sù sì, một tốp thanh niên chận o Thoa và Chí lại, nói.

- Cô em ơi! Dừng lại đây với anh một chút, rồi chúng ta cùng đi với nhau!

Họ nói và chắn ngang đường không cho cả hai đi qua, thằng Chí thấy bực lắm. Nhưng với o Thoa, không những không khó chịu, mà còn ỏn ẻn cười với họ. Chí liền bất mãn bước tới, mắt trừng trừng nhìn mấy chàng thanh niên và cầm tay o Thoa kéo đi. Đoạn đường còn lại, o Thoa hỏi gì Chí cũng không nói, nó thấy hờn hờn trong lòng thế nào ấy. Đến lúc đứng trong sân, o Thoa kéo Chí dựa lưng vào lòng, thằng Chí mới thấy nguôi nguôi.

Khi hai người vào sân, thì ở sân vừa xong một cuộc đấu, cuộc đấu kế tiếp chưa tới. Hồi lâu Chí mới nghe gọi tên và có hai vận động viên vào sân. Thì ra một trong hai vận động viên kia lại chính là người thanh niên đã chận o Thoa, tên là Danh. Bây giờ ở giữa sân, anh ta cùng người đối địch đang gằm ghè thủ thế nhìn nhau đợi hồi trống lệnh. Và rồi, hồi trống đã điểm. Cả hai cùng xông tới túm lấy nhau, quần nhau, đem hết sức bình sinh quyết dìm đầu nhau xuống đất. Những kẻ đứng quanh sân xem cả hai bắt đầu ra đòn, liền gào la náo loạn; họ thích thú thét to lên để cổ vũ, kể cả o Thoa.

Nhưng riêng thằng Chí, nó thấy buồn hơn vui, có gì để vui khi nhìn hai con người nghiến răng, trợn mắt dìm đầu đồng loại mình xuống bùn! Tuy thế, nó vẫn phải đứng xem cho tới hồi kết cuộc, lúc đó cả hai “con người” ở giữa sân đều đứng dậy với kẻ thắng người thua cùng hai gương mặt lắm lem bùn đất.

O Thoa thấy Chí không thích xem đấu vật, liền dẫn Chí về nhà người chị họ của mẹ để chơi, chứ chẳng đưa đi xem đu. Ở đây chỉ có hai cô gái ở nhà. Khi vừa thấy nhau là cả ba đều reo lên cùng với những tiếng cười trong trẻo của con gái, khiến cho lòng thằng Chí cũng thấy rộn lên một niềm vui mà nó chẳng biết tại sao. Nhưng khi họ nói với nhau đủ thứ chuyện, kể cả điều riêng tư, nhất là nhắc đến chuyện các chàng trai theo mình thì cả ba cô đều nổi lên cười và kèm những lời nói đáng ra chỉ có riêng họ thôi. Thằng Chí thấy bực mình khó chịu và cũng chẳng hiểu là họ thích hay là ghét chuyện đó, khiến họ vừa cười, vừa nói như bêu.

Chợt ngoài ngõ có tiếng ồm ồm của mấy anh con trai; các cô gái trong nhà liền lặng thinh, họ chỉ nhìn nhau cười bằng mắt như muốn nói điều gì. Chí chưa hết ngạc nhiên thì đã thấy ba, bốn chàng đi vào ngõ thật, lại còn có cả chàng thanh niên đã chận o Thoa. Chí chưa biết phải làm gì, thì thấy o Thoa tỏ ra lúng túng vùng chạy xuống bếp như tránh. Chí định xuống bếp rủ o Thoa đi về, nhưng liền thấy o Thoa cùng bạn bưng nước lên cười nói, mời chào. Thằng Chí lại thấy lòng tưng tức, nó liền bỏ ra đường định đi về. Mặc dù thằng Chí không biết đường, nhưng nó nghĩ cứ đi ngược con đường o Thoa dẫn đi ban sáng là về nhà Ngoại gặp mẹ. Vậy nhưng thằng Chí vừa đến ngã ba, thì o Thoa đã theo kịp, o Thoa choàng vai Chí thủ thỉ:

- Khoan về đã Chí, vào chơi chút nữa! Chiều, o Thoa dẫn Chí về, hí!

Thằng Chí cảm thấy như mất hết phản ứng, nó để cho o Thoa kéo vào.

Trong nhà, các cô gái và mấy chàng thanh niên lại đánh bài. Và dù chán cảnh này, thằng Chí vẫn theo o Thoa ngồi xuống chiếu chịu trận. Người thanh niên tên Danh, vận động viên đấu vật, cũng ngồi kế o Thoa, chẳng biết anh ta nói gì mà cứ khiến o Thoa cười rũ ra. Thằng Chí tuy rất bực nhưng cũng phải ngồi cho đến chiều, đến khi dì dượng của o Thoa về, cuộc chơi mới chấm dứt. O Thoa chào dì dượng rồi cùng Chí ra về.

Lần nầy o Thoa không đưa Chí về đường cũ, mà theo lối mòn sau đôộng cát để đi. Lối mòn nầy phải ngang qua một khe nước nhỏ mới về nhà Ngoại.

Khe nước trong veo, đáy lộ cát trắng, khiến Chí thích quá nhảy xuống lội. O Thoa cũng kéo cao ống quần, lộ đôi chân trần thon trắng nõn nà cùng lội xuống nghịch nước theo với Chí. Cả hai rượt theo những con cá nhỏ trong dòng nước và chơi đùa một lúc thì o Thoa lên bờ gọi Chí:

- Chiều lắm rồi, về thôi Chí ơi!

Nghe gọi, thằng Chí liền nhảy lên bờ theo o Thoa, nhưng o Thoa lại đứng im nhìn nó một lúc, rồi bất chợt nói:

- Chí có biết là… mình rất đàn ông không?

- ..?!

Đột nhiên o Thoa ôm ghì lấy nó, và hôn lên mặt.

Thằng Chí quá bất ngờ đứng im bất động, nghe hương thơm từ người o Thoa thấm qua cơ thể một cơn say, khiến nó bừng bừng lên một cảm giác khác lạ. Cái mùi hương ấy không như mùi nắng thơm áo mẹ, mà như là hương từ cây cỏ, dòng sông, đồng ruộng… hay là gì gì thằng Chí không biết, mà nó nghe mình mê muội đi giữa một chiều xuân, bên khe nước trong vắt ấy!

Năm hôm về Tết nhà Ngoại, là năm hôm liền Chí được o Thoa dẫn đi chơi. Có hôm o Thoa đã đưa Chí ra tận biển Tân Hội chơi trò leo lên đôộng cát cao để tuột dốc thật vui. Thế nhưng nó vui không phải vì được đi chơi, mà đối với Chí đi với o Thoa mới là điều khiến nó sung sướng. Nên sáng mồng bảy, nghe mẹ bảo về, thằng Chí thấy lòng thật buồn. Hôm đó o Thoa cũng theo xuống bến đò để tiễn Chí và mẹ. Lúc đợi đò, o Thoa đứng bên quàng vai Chí và nói: “Chí nhớ về thăm o Thoa, nghe!” Chí chẳng nói gì, chỉ lẳng lặng theo mẹ xuống đò khi người chủ đã đẩy vào sát bến. Lúc đò đã ra xa, Chí thấy o Thoa vẫn còn đứng trên bến cùng với Mơ và Nụ, nó nghe lòng buồn rười rượi.

Bây giờ về Lai Hà, về lại nhà, những ngày ở quê Ngoại, những ngày vui cùng o Thoa đã để lại trong lòng thằng Chí một khoảng trống khiến nó cứ ngẩn ngơ. Nó đã đánh mất cái hồn nhiên thuở nào, chẳng còn thích chơi với bạn bè trang lứa nữa. Thằng Oi, thằng Ri rũ đi câu cá nó cũng chẳng muốn; và nhất là, khi cánh đồng trước làng đã khô rạ, khi làng mời đoàn hát Bội về dựng rạp diễn tuồng toàn xã cùng vui, thì Chí không còn thích cùng bạn chui trộm vào xem hát. Nó thường một mình ra đê, dõi mắt theo bóng con đò sang sông; hoặc khi chiều xuống, thằng Chí hay đứng lặng dưới hàng dương, nghe gió vi vu qua cành liễu mà cứ ngỡ như tiếng thì thầm chiều nào về với o Thoa. Nỗi nhớ chẳng nói nên lời, nó nghe thổn thức trong lòng và trải dài ra với ngày tháng thời gian, để rồi chỉ còn ước mơ mong một lần về thăm quê Ngoại.

Thế rồi mùa đông lại đến, mưa gió cứ sụt sùi với giá rét, khiến nỗi khổ của mẹ như càng tăng thêm cho những buổi chợ sớm chợ chiều. Và hôm đó mẹ ướt mướt từ chợ về bảo:

- Có gặp một người bên kia qua bán hàng, bảo rằng o Thoa vừa lấy chồng, người chồng tên là Danh!

Thằng Chí không còn nghe tiếp điều gì nữa, nó bỏ chạy ra sông. Nó đứng nhìn sông rộng mưa giăng, nhìn bầu trời mờ mịt không bóng dáng con đò. Thằng Chí nghe nỗi nhớ chơi vơi, nhớ đường về nhà Ngoại, nhớ giàn trầu hàng cau, nhớ nẻo tắt sang vườn… và nhớ o Thoa bật khóc…

(Đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật số 20, năm 2000 với tiêu đề “Quê Ngoại”)

Cho Những Em Tôi

Xây tròn lại mở cuộc chơi,
Một vuông đất, một cỗ bài dưới trưa.
Cởi trần, dốc túi nhau ra,
Đốt thơ ngây ngún thành tro trắng sòng.
Đứa bó gối – đứa soải chân,
Rít khói phả vào mênh mông chỗ ngồi.

Chợt dưng vang một tiếng đời,
Chia tay nặng những túi đầy ưu tư.
Sau lưng nắng vẫn đỏ lừ.
Một người đứng gọi cơn mưa cháy lòng…

Khi Những Lưu Dân Trở Về

Phải xưa ta là rừng
Nên hồn ta xanh ngát,
Em bơ vơ cánh vạc
Về hát mãi trong sương.

Ta đi tìm đau thương,
Mang vào đời chất ngất,
Bao cánh hồng héo hắt,
Rụng dần trong lãng quên.

Con oanh về ngủ yên,
Trên tình xưa đã chết.
Ta về đây đốt hết,
Những năm tháng cuồng điên.

Ta như những lưu dân,
Tìm quê hương đã mất.
Trên đường chiều hiu hắt,
Chuông giáo đường ngân vang.

Chuông gieo nỗi bình yên,
Cửa Thiên Đường đã mở.
Ta sấp mình sám hối,
Xin làm con chiên ngoan…

Tàu Địa Cầu

Con tàu vô định quay quay
Khách trên tàu cũng quay quay với mình
Tàu quay chẳng biết lộ trình
Khách quay cũng chẳng biết mình quay đâu!
Lỡ rồi! một chuyến địa cầu
Tàu còn chuyển bánh, trên tàu… phải đi!
Hành trang chưa kịp sắm gì
Lên không mục đích, chuyến đi… chẳng ngờ
Xuống, lên… chẳng biết ngày giờ
Xuống, lên… cũng chẳng biết bờ bến đâu!
Lỡ rồi! Ta phải dìu nhau
Tiếp đi cho trọn chuyến tàu… như mơ!
Chia ly…rồi cũng bất ngờ
Sẵn sàng tay đó… để giơ vẫy chào!

Vàng, Vện

Con Vàng, con Vện chia nhau
Hiên trước Vện giữ, hè sau con Vàng.
Đêm về cẩn thận tuần trang
Con Vện cổng trước, con Vàng vườn sau.
Tình nghi,báo động cho nhau
Quả tang, Vàng Vện rút mau vào nhà.
Hai hồi chuông báo vọng ra
Người người thức giấc, nhà nhà bình yên.

Như Nội

Mua giùm gánh củi cho ông
Giá củi tuy đắt, giá lòng… không cao!
Bảy lăm, còn sức lực nào
Vai đè gánh củi như nhào xuống mương
Gặp ông con đón giữa đường
Con mua thay mẹ, con nhờ người ta
Giúp ông gánh tiếp về nhà
Công người gánh giúp, mẹ ra tính tiền.
Động lòng cười nói huyên thuyên
Ông nhận giá củi, lui tiền giá cao…
Mẹ như muốn hỏi “vì sao?”
Bé hiểu như nội ngày nào… mà thương!

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2008

Năm Ấy Về Ngoại

Mồng hai Tết, Chí được gọi dậy sớm để về Ngoại. Cái rét của Đông Ken vẫn còn đậm đặc, Chí ra vại rửa mặt nước lạnh buốt da. Cha Chí dậy từ lâu, đang ngồi bên khay trà trên bộ ngựa. Tuần nhang sớm trên bàn thờ đã gần tàn. Lúc mẹ và Chí đi, anh Hương vẫn chưa dậy, cha lại khập khểnh đến đốt tiếp tuần nhang khác.

Năm năm rồi không được về Ngoại. Chí nghĩ bây giờ chắc Ngoại già hơn. Ngày đó tóc Ngoại đã bạc trắng, lưng Ngoại giờ nầy chẳng biết có còng thêm không? Nhớ năm ấy Chí về, Ngoại ôm vào lòng run run, nói: “Cha mi! Lớn ri rồi hử!” Cái cảm giác ấm lòng và mùi trầu cau nơi áo Ngoại khiến Chí nhớ mãi. Năm đó Ngoại cho Chí con tu huýt bằng đất nung khiến Chí thích lắm, thế mà bây giờ đã tuổi mười bốn.

Khi mẹ và Chí ra bến đò, bến vẫn còn vắng. Nhìn dòng sông quen thuộc giữa một sớm đầu xuân dưới màn sương trắng đục, cảnh vật ẩn hiện đầy vẻ huyền bí của buổi tinh mơ khiến Chí thấy hoàn toàn khác lạ; tất cả sự vật đang khoác lên mình một tấm áo choàng lộng lẫy, sang trọng, nó khác với thường ngày một bờ đất lở, những bụi cỏ lác cỏ lùng hay hang ổ của rái cá, những cành cây bãi phân bầy nhầy…

Có người hỏi trên bến.

- Chị Thợ đó ư, năm nay về ngoại hở? – cha Chí là thợ tre, mọi người vẫn gọi mẹ như thế để thay tên.

- Dạ! Mấy năm rồi mới được về đây! – khi nhìn rõ là o Vanh, mẹ hỏi tiếp – O cũng về Biện chớ?

O Vanh cười tươi nói:

- Khi tê không định đi! Sáng ni bỗng dưng muốn về và chỉ về một mình! – O hỏi mẹ - Con Đối, con Thoan năm ni có đứa mô về không?

Nghe hỏi mẹ thôi cười, buồn buồn nói:

- Không đứa mô về hết o ơi! Tội nghiệp con Đối, con đầu dâu trưởng, gánh vác nhà chồng nặng lắm. Năm mô về được thì mừng, năm mô về không được, nhớ mẹ nhớ em lại khóc; còn con Thoan, từ ngày theo o Mại làm ăn đến giờ, bặt vô âm tín!

- Còn thằng Chí ni – o Vanh xoay qua Chí – đi mô cũng được đi với mạ, con út sướng hí!

Nghe mẹ nói, thằng Chí cũng thấy buồn buồn, nó chẳng hiểu tại sao cuộc sống cứ phải có nước mắt ẩn dấu đằng sau niềm vui. Thế thì đâu là niềm vui trọn vẹn?

Khách đã đầy thuyền, chủ đò đem chèo ráp vào cọc, hỏi to:

- Ai đi Đại Lược, lên đây?

Mẹ và Chí lên đò, rời bến. Trên bờ còn nghe hỏi: “Có đò đi Biện không?” Chí nghe nôn nao khi đò ra giữa dòng, nó đứng hướng mắt sang bờ bên kia tìm dáng hình nhà Ngoại, tìm hàng cau vẫn đứng chờ trông. Nhưng phá Tam Giang rộng quá, bến bờ xa lắc, chẳng thấy nhà Ngoại nơi đâu. Nhưng riêng trong lòng thằng Chí thì nó vẫn nhớ rõ từng gốc cây bụi trúc trong mảnh vườn nhà Ngoại và nó vẫn nhớ câu chuyện về dây trầu ở cái giàn gần giếng, Ngoại kể: “Ngày ông bây mất, cả nhà chẳng ai nhớ đến “hắn”, không cho “hắn” chịu tang. Khi tau thấy dây trầu héo mới nhớ, liền đem khăn cho “hắn” chịu tang hôm sau thấy dây trầu tươi lại!”Lần nầy về, mẹ và Chí cũng không gặp cậu Triêm. Cậu là một tài xế đường dài, cậu cứ theo những chuyến xe về cái xứ sở xa xôi nào đó mà Chí không biết. Ngoại và vợ cậu cùng Mơ, Nụ, con gái của cậu thấy Chí và mẹ về thì mừng lắm. Ngoại rầu rầu nói:

- Năm mô hắn (cậu Triêm) cũng không về, ông bây lại chẳng còn, Tết không mần chi hết! Chừ mạ con bây về, mần một mâm cúng Tổ tiên, cúng ông bây! – Ngoại nói mà mắt rưng rưng, mẹ cũng rưng rưng, thằng Chí xót xa.

Sau đó, mẹ đưa Chí ra đôộng cát thắp nhang mộ ông Ngoại.

Buổi chiều làm cỗ, Ngoại bảo sang vườn mời cả nhà mệ Đích, Chí theo Mơ đi chơi. Một cô gái đôi mươi ở trong nhà mệ Đích thấy Chí liền ôm lấy hai vai mà kêu lên với cái giọng như ru:

- Chí đây phải không? Chí con chị Hiệu (tên mẹ) phải không? Ôi lớn ghê, đẹp trai nữa chứ!Thằng Chí nghe cô gái khen mình, nó xấu hổ cúi mặt đứng không nhúc nhích. Cho đến lúc về bên nầy Chí mới bình tĩnh và mới biết đó là o Thoa, em mệ Đích.

Cái tình thân giữa Ngoại và mệ Đích đã có từ cái thuở còn con gái. Ngày đó hai người
là đôi bạn gái thân nhau, lúc lấy chồng hai người lại may mắn ở kế vườn nhau. Nhưng mệ Đích phận hẩm, chồng mất khi mới được đứa con đầu lòng, lúc tuổi xuân vừa tròn hai mốt. Và rồi dù tuổi đời còn trẻ, dù xuân sắc vẫn còn mặn mà, mệ Đích vẫn khước từ gác bỏ ngoài tai mọi lời mối lái gạ gẫm gần xa, cố ở vậy nuôi con trai đến khi khôn lớn. Nhưng khi con trai vừa tròn hai chục tuổi, người con cũng phải vào đời, theo đuổi ước vọng của mình, thì người mẹ hiền thục kia lại trở về với nỗi cô đơn hiu quạnh mà bấy lâu nay bà đã quên đi dành trọn tình yêu cho con. Và người mẹ trẻ kia đã vấp ngã: Mệ Đích đã mang bầu, sinh ra người con gái tên Thoa.

Ngày mà xóm làng biết người phụ nữ kia có bầu, thì gia đình nội ngoại đều từ bỏ, người đàn ông kia cũng chẳng đoái hoài, lui tới. Nhưng Ngoại lại khác, thương bạn phận bạc, thương cảnh đắng cay, Ngoại cưu mang bạn lúc này cho đến suốt những tháng ngày sinh đẻ mẹ tròn con vuông. Từ đó hai người càng thương nhau hơn, xem nhau như ruột thịt, cái gì cũng có nhau.

Lúc vào mâm, mẹ so đũa cho Ngoại và mệ Đích, một người bạn của mẹ ngồi trong mâm, nói:

- Ngày trước đừng xem tuổi, chừ là dâu người ta rồi!

Mẹ chỉ cười, nhìn dâu mệ Đích ngồi ở bàn bên kia.

Những chuyện thời trước về mẹ và chú Khê, mọi người đều biết, các con và cha Chí cũng biết: Thuở mẹ còn con gái, Ngoại định gả mẹ cho chú Khê con của mệ Đích, nhưng không hợp tuổi lại thôi. Sau này, lúc mẹ đã hai con, chú Khê mới lấy vợ. Nhưng tính chú Khê vốn thích phiêu lưu, theo bạn bè làm ăn xa, nghe nói qua bên kia biên giới lận và rồi không thấy về nữa. Để lại vợ và đứa con trai còn nhỏ cho mệ Đích.
Đột nhiên thằng Chí nghĩ đến cha và suy rằng: nếu mẹ lấy chú Khê, thì giờ nầy cha chỉ còn một mình. Chí thấy tội nghiệp cha biết mấy, Chí yêu cha vô cùng và sẽ giận mẹ ghê lắm. Chí nghĩ ngày trước, cha mình cũng giỏi lắm, đã từng xuôi những bè gỗ bạc vạn. Thế rồi cái tai nạn trong rừng, đã cướp mất của cha một bàn chân, nên cha đành mới thành ra vậy.

- Mùa cau năm ni có khá không, o Thoa? mẹ của Chí hỏi.

- Tệ lắm, cau năm ni thương lái từ Dinh (Huế) về mua tận nơi, mình tranh không lại giá! O Thoa ngồi cạnh và đang gắp thức ăn cho Chí liền trả lời.

- Hắn buôn cau, bán cau thì được – mệ Đích chê con gái – nhưng biểu têm dĩa trầu thì chẳng xong!

Mọi người nghe đều cười, o Thoa cũng cười. Sau bữa cỗ, mọi người rủ nhau đánh bài. Ngoại và mệ Đích không chơi, cả hai lên sập ngồi với cơi trầu và đem chuyện nếp, tẻ của ba ngày Tết ra nói. Mẹ cũng không muốn chơi, nhưng mọi người cứ nài thành ra cũng một tay bài. Mơ với Nụ có ít tiền dành được cũng vào sòng chơi, cả hai giờ đã là cô gái mười lăm mười bảy. O Thoa kéo tay Chí bảo ngồi bên cho vui, tuy không thích đánh bài nhưng trời lạnh xúm nhau quanh cây đèn trên một bộ ngựa thế này Chí thấy cũng ấm.

Mẹ ngồi mép ngoài, đầu hôm được bài, ăn lắm. Ngược lại, o Thoa ngồi trong chiếu lại lủng bài, thua đậm. Thua nhiều nóng mặt, o Thoa đút bài xuống chỗ ngồi, ếm, vẫn cứ thua. Cùng, o Thoa nhờ Chí bắt bài lấy hên, lại hên thật, ăn bạc. Mẹ lại thua. Gần sáng buồn ngủ, Chí không bắt bài nữa, o Thoa đặt Chí nằm cạnh, nâng đầu để vào lòng và vỗ nhè nhẹ vào lưng. Chí ngủ thật nhanh, nghe hơi ấm nghe hương thơm từ người o Thoa tràn trong giấc ngủ.

(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2008

Vô Thường


Nén Hương Lòng

Tưởng nhớ NHẬT LINH

…Một hôm, cách đây khá lâu. Trong góc quán tâm tình café ở đâu đó rất xa, có người hỏi bạn về điều mơ ước lớn nhất của đời mình? Sau một hồi đắn đo câu trả lời rằng:

- Mong được sống đến hồi chôn cất mẹ!

Và hôm nay trước linh cữu này, điều mơ ước đó đã không còn kịp thực hiện nữa rồi Linh ơi! Sự tiên cảm như một vết thương theo suốt tháng ngày tật bệnh. Thì thôi, dẫu sao lần trở về sau rốt trong vòng tay mẹ yêu thương hẳn bạn cũng an lòng thỏa nguyện thanh thản mà ra đi…

Là một loài hoa trong đêm đời sinh diệt, có rồi không, phiêu hốt phận người. Dù chút sắc hương cũng ơn mùa tận hiến…

Linh ơi! Trên cánh đồng chông chênh mưa nắng cõi miền nghệ thuật kia vẫn còn bóng dáng bạn sớm hôm chăm chút gieo trồng. Cây cứ theo mùa, hoa trái đời vẫn vui buồn sinh sôi. Biết thế, lòng sao ngơ ngẩn ngậm ngùi?

Chỉ còn cái xác ve khô,
Nằm ôm cánh phượng cuối mùa phất phơ
Và đêm với gió cùng mưa
Đâu rồi em thuở nhạc hoa ngập lòng!

Chàng nghệ sĩ đi qua mùa hạ lửa chói chang, bước vào thu xao xác lá vàng, chưa kịp chớm đông đã vội trút mùa. Đời cứ giỡn đùa trò chơi quái ác. Đâu nào xuân xanh?

...Cúi rạp người dưới cơn mơ
Băng vào mưa nắng mịt mờ gió giông.
Gã Don Quixotte quên mình
Đem thân tế độ bóng hình khói sương !

Bao nhiêu kỷ niệm, biết mấy bóng hình... Dặm trường rong ruổi, mê mãi kiếm tìm.

Còng lưng con dã tràng bên biển đời xe cát.
Lả cánh con ong giữa đại ngàn lau lách.
Lưu dấu cùng thanh âm, màu sắc.
Một đóa phù dung, một nét hương quỳnh.


Lại thêm lần qua ải đắng cay
Này yêu ơi! Em có là người?
Sao nghe đã ngấm dần ngải độc
Như lời nguyền có từ kiếp trước
Số phận gửi ta về với chốn này....

Vâng! Lời nguyền và số phận gửi bạn về với chốn này.

Lao vào ngọn lửa thiêu thân
Cũng rồi một kiếp nhọc nhằn phù sinh
Cây nến đứng cháy hết mình
Chỉ còn đĩa lệ không tim lụi tàn.

Để đền đáp chút tỏa sáng thăng hoa, sự trả giá quả là khắc nghiệt. Mà thôi, có ích gì đong đếm cân đo. Sự lựa chọn nào không ra ngoài bàn tay của tạo hóa cơ cầu.

Định mệnh giống như con dao cùn
Đôi khi cũng là thanh kiếm sắc!

Trời miền đông phương Nam hôm nay Linh ơi! đùn đùn mây bạc, xao xác lũ thiên di. Hồn về cố quận, hương khói mang mang, ngó quanh đầy đủ anh em bè bạn...

Thắp một nén hương lòng
Nghiêng mình chia biệt!

16-01-2007

Tín Vật

Thương nhớ Lê Di
Thay cho YL

Dã quỳ nửa đoá trao anh
Còn em một nửa để dành về sau
Luân hồi hoa nhận ra nhau
Quỳ hương vẹn đoá tình sâu vẹn nguyền.

Giao Cảm

Tưởng nhớ Lê Di - Lê Nhật Linh
1962 - 13.01.2007 (25 tháng mười một Bính Tuất)
nhân ngày giỗ đầu 13.01.2008

Người về chốn ấy xa xăm
Giữa hoa đang độ giữa rằm đang giêng
Phút giây xao xác nỗi niềm
Khói hương ôm cả đôi miền âm dương.